Những sắc mầu cây xanh

Cây xanh đô thị Hà Nội được quy hoạch một cách quy củ dưới thời Pháp thuộc. Cây xanh được trồng tại những vườn hoa, hồ nước, dọc các tuyến phố.

Ngay từ thời đó, cùng với những loại cây bản địa, người Pháp đã đưa nhiều loài cây từ phương xa về “định cư” tại Hà Nội. Có hai địa điểm thể hiện rõ nét nhất điều này là Công viên Bách Thảo và khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây chính là những thí dụ điển hình cho sự đa dạng, phong phú của cây xanh Hà Nội. Cây lá kim xứ lạnh “chung sống” với cây nhiệt đới, cây bản địa trồng cùng với giống du nhập. Trong đó, Công viên Bách Thảo đóng vai trò như là nơi nghiên cứu về thực vật, nhất là các loại cây di thực từ nước ngoài để trồng trọt hay bổ sung cho cây đô thị. Ngay cạnh Công viên Bách Thảo là vườn ươm những loài hoa gần gũi với người châu Âu để nhân giống trồng tại Hà Nội. Sau này, chính quyền Hà Nội tiếp tục cho trồng các loại cây như: phượng, bằng lăng, muồng, móng bò… Có một thời, thành phố còn khá tích cực trồng keo tai tượng, vông, bông gòn, trứng cá, dâu da xoan… lấy bóng mát.

Gần đây, trong chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020, thành phố tiếp tục bổ sung một số giống cây mới, trong đó nhiều người quan tâm hai giống cây cọ dầu và phong lá đỏ. Riêng việc trồng phong lá đỏ hiện đang có những tranh luận về việc có thích hợp với thổ nhưỡng của Hà Nội hay không, có tạo ra cảnh quan đẹp hay không. Một số người e ngại rằng, đến mùa thay lá, loài cây này lại làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp phố phường. Nhìn lại lịch sử phát triển cây xanh đô thị Hà Nội, có thể thấy, việc bổ sung các loại cây mới, có nguồn gốc nước ngoài không phải là chuyện mới. Từ thời Pháp, đã luôn có sự đan xen giữa cây bản địa với cây du nhập từ nước ngoài. Đây cũng là câu chuyện xảy ra ở nhiều đô thị lớn trên thế giới. Các loài cây mới thường góp phần tăng thêm những sắc mầu cho cảnh quan đô thị. Tại Hà Nội, những loài cây như xà cừ, phượng vĩ… thực chất đều là những giống cây ngoại lai. Cây cơm nguội vốn đi vào thơ ca, cũng không phải loài đặc hữu của Việt Nam nhưng cùng với thời gian, nó đã trở thành thân thuộc.

Với cây phong lá đỏ, thành phố mới trồng thí điểm trên một số tuyến phố như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Láng Hạ. Nếu việc nhiệt đới hóa thành công, phong lá đỏ sẽ tiếp tục được nhân rộng trên những tuyến phố khác. Trước đây, phong lá đỏ đã được trồng thành công ở miền bắc, điển hình như những cây phong ở xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh (Hải Dương). Mùa phong thay lá tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách tham quan. Việc tạo thêm những sắc mầu cây xanh để làm đẹp cảnh quan là điều cần thiết nhưng cũng cần có sự nghiên cứu kỹ càng, bởi cây xanh đô thị không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà gắn bó nhiều năm cùng quá trình phát triển của thành phố, với tâm hồn người dân Thủ đô.