Nhu cầu thở sạch

Nhiều ngày qua, thời tiết ở Hà Nội nắng nóng, trời ít mây, không mưa, khiến mật độ khói bụi trên địa bàn tăng cao, chất lượng không khí suy giảm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng mạnh. Tại nhiều điểm quan trắc đặt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu..., chỉ số AQI luôn dao động từ 100 đến 130, ở mức "kém".

Các điểm khác như tại khu vực quận Hoàn Kiếm, các khu Mỹ Đình, Trung Yên, Thành Công... dao động từ 70 đến 95, ở mức "trung bình”, còn nơi thấp nhất cũng ở mức 60. Với chỉ số chất lượng không khí nêu trên, người già, người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp được khuyến cáo cần hạn chế thời gian ra ngoài đường.

Thực tế cho thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội thời gian qua liên tục xấu đi và chưa được cải thiện nhiều. Ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và việc đốt rác, rơm rạ, đun bếp than tổ ong... Không khí ở Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạt bụi hô hấp PM2,5 và PM10, có kích thước cực nhỏ, đường kính <2,5 micromet (bằng 1/30 sợi tóc), lơ lửng trong không khí thời gian dài và có thể đi vào tận trong phế nang, gây nguy hiểm sức khỏe. Cùng với đó là các chất ô nhiễm như CO, NOx, SO2, O3... Có thời điểm, hệ thống quan trắc không khí ở Hà Nội đã cho kết quả chỉ số AQI dao động ở mức 200, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí như trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô, đẩy mạnh hoạt động giao thông công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân, xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tại mười điểm khác nhau... Tuy nhiên, để đem lại bầu không khí tốt hơn, bảo vệ sức khỏe của người dân, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn, không chỉ từ phía chính quyền, đoàn thể mà từng người dân cũng phải có ý thức cải thiện môi trường bằng những việc làm, hành động cụ thể.

Hiện, thành phố đang kêu gọi người dân giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong, thay thế bằng bếp cải tiến sử dụng viên nén nhiên liệu; hạn chế và tiến tới không đốt rơm rạ sau các vụ gặt, xử lý rơm rạ thành chế phẩm sinh học, thức ăn gia súc hoặc phục vụ trồng trọt. Đồng thời, tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng để người dân chuyển dần từ phương tiện cá nhân sang sử dụng các phương tiện công cộng; tiếp tục triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh… Thành phố cần tiếp tục lắp đặt các trạm quan trắc nhằm đánh giá chất lượng không khí một cách toàn diện, chính xác, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí hợp lý. Đồng thời, cập nhật, thông tin rộng rãi, thường xuyên, cụ thể các số liệu này để người dân biết và giám sát. Quan trọng nhất chính là tăng cường giáo dục, tuyên truyền để mỗi người đều có ý thức và chung tay hành động vì môi trường.