Ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng dịp cuối năm

Năm 2019, trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội có chuyển biến tích cực. Hoạt động xây dựng được kiểm soát từ khi công trình khởi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cụ thể, trong năm qua, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra gần 19.700 công trình xây dựng, đạt tỷ lệ 100% công trình phát sinh hoạt động xây dựng.

Trong đó, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép đạt 98,4%. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 605 công trình vi phạm, tương đương 3% tổng số công trình, giảm hơn 2% so với năm 2018. UBND cấp huyện, cấp xã đã thiết lập hồ sơ, xử lý được gần 400 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục giải quyết hơn 200 trường hợp còn lại. Cùng với xử lý các công trình mới phát sinh, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã xử lý được hơn 720 trường hợp trong tổng số gần 860 trường hợp vi phạm tồn đọng giai đoạn 2015-2018. Đối với 132 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, tồn đọng trước năm 2005, đến nay đã xử lý được 27 trường hợp, đang tiếp tục xử lý 105 trường hợp. Đối với hơn 550 trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông, đến nay đã xử lý 510 trường hợp, đang tiếp tục xử lý 42 trường hợp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng còn không ít hạn chế, nhất là tại khu vực ngoại thành. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, khu vực chung quanh các dự án phát triển đô thị vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều vi phạm mới, nhất là trong thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng chuẩn bị sẵn sàng nguyên vật liệu, nhân lực để xây dựng công trình vi phạm. Với công nghệ hiện nay, hoạt động xây dựng diễn ra rất nhanh chóng, gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý công trình vi phạm. Các biện pháp ngăn chặn như cắt điện, nước hiệu quả không cao.

Để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã cần phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Kiên quyết cưỡng chế các công trình vi phạm và tiếp tục xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài; gắn với xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm lớn. Trong dịp Tết Nguyên đán, cuối năm âm lịch, UBND cấp xã cần bố trí tăng cường lực lượng trật tự xây dựng đô thị kiểm soát hoạt động xây dựng, không lơ là mất cảnh giác. Đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ bao che sai phạm.