Ngăn chặn tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong gia đình

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận hết sức phẫn nộ, bàng hoàng, như vụ việc xảy ra ngày 2-5-2020, tại phường Bưởi (quận Tây Hồ) khi đối tượng Quách Văn Nam đã dùng dao chém chết vợ và con trai.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội tạo ra chuyển biến tích cực, nhưng cũng gây những tác động trái chiều. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng làng xã, trong dòng tộc bắt nguồn từ tranh chấp về đất đai. Ở khu vực nội đô, những áp lực về mưu sinh, tiền bạc, tình ái… gây căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, khiến nhiều người bức xúc, tìm đến những hành vi tiêu cực, bạo lực. Trước thực trạng này, nếu những người thân trong gia đình không có những giải pháp để giải tỏa tâm lý của các đối tượng, tổ hòa giải ở thôn, xóm, tổ dân phố, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để những bức xúc từ cơ sở từ lúc mới phát sinh, thì những xung đột rất dễ bùng phát thành vụ án đau lòng.

Để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong gia đình, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, đoàn thể xã hội, các tổ liên gia tự quản, tổ hòa giải, tổ tự quản về an ninh trật tự; người có uy tín, vị thế trong gia đình, cộng đồng chủ động nắm và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là các mâu thuẫn về kinh tế, đất đai, tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình, không để kéo dài làm phát sinh tội phạm. Các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân, nhất là tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm làng, khu phố. Chính quyền các địa phương cần tăng cường phối hợp lực lượng công an, đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, giúp người dân hiểu biết về quyền và nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ xã hội, quyền và nghĩa vụ pháp lý trong đấu tranh với tội phạm do nguyên nhân xã hội. Các đơn vị củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ hòa giải, tổ tự quản về an ninh trật tự..., nhằm nắm tình hình những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, để giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở.

Lực lượng công an phát huy trách nhiệm, sự nhạy bén trong nắm bắt tình hình, quyết liệt tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm một cách bài bản. Tập trung phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm trọng án có nguyên nhân xã hội đang gây bức xúc, bất an trong nhân dân, lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn mở chuyên đề nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác nắm tình hình, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; nhanh chóng giải quyết thấu đáo từ những vụ việc nhỏ.