Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi, cúm mùa

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trên địa bàn thành phố phát hiện sáu trường hợp mắc sởi phải vào bệnh viện điều trị, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 114 người, tăng vọt so với tám trường hợp cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới năm tuổi, nhưng gần đây đã xuất hiện ở một số người lớn, phụ nữ mang thai.

Tuy các ca mắc sởi chưa tập trung thành ổ dịch lớn, nhưng ngành y tế nhận định nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao. Thứ nhất, do trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng ngừa sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Thứ hai, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa xuân có nhiều hoạt động giao lưu, du lịch dẫn đến nguy cơ truyền nhiễm cao. Lý do cuối cùng các chuyên gia lo ngại là dịch sởi thường có chu kỳ từ bốn đến 5 năm một lần. Năm 2014, dịch sởi đã bùng phát tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía bắc, cho nên năm nay có nhiều khả năng lặp lại chu kỳ này.

Không chỉ có sởi, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch do mắc cúm mùa, cúm A/H1N1, trong đó có hai bệnh nhân nặng trú ở thị xã Sơn Tây và huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Trước đó, một phụ nữ mang song thai, quê Thanh Hóa, đã chết do biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng khi mắc cúm mùa. Cúm mùa là loại cúm thường gặp ở nước ta, nhưng đối với những người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm khả năng đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người nghiện rượu… bệnh có khả năng tiến triển nặng, dẫn đến sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim.

Sởi, cúm mùa là bệnh do vi-rút gây ra, rất dễ lây lan từ người sang người thông qua đường hô hấp, nhất là ở những địa điểm tập trung đông người. Dấu hiệu điển hình của bệnh là sốt cao, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt. Mặc dù sởi, cúm mùa là bệnh lành tính, nhưng khi trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém nếu mắc bệnh sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng nặng, thậm chí tử vong… Phụ nữ mang thai có nguy cơ sảy thai, đẻ non.

Để đề phòng bệnh sởi, cúm mùa, người dân cần chủ động tiêm chủng vắc-xin, nhất là thực hiện tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng sởi cho trẻ. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng… Hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc với người bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Người có dấu hiệu mắc sởi, những người có bệnh mạn tính, suy giảm khả năng đề kháng, miễn dịch, trẻ nhỏ, người già mắc cúm cần theo dõi chặt chẽ và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.