Nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển mới

Đánh giá về những thành tựu nổi bật mà Hà Nội đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tóm lược thành ba điểm nhấn. Thứ nhất, Hà Nội đã thể hiện vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, động lực phát triển vùng kinh tế phía bắc. Thứ hai, thành phố đã tạo sự đột phá về hạ tầng cơ sở. Và thứ ba là cán bộ giữ vững sự đoàn kết, hợp tác trong công tác tổ chức, sắp xếp sau khi hợp nhất.

Thành tích đạt được trong chặng đường 10 năm qua rất đáng tự hào, bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; từ việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo thành phố. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu phân tích, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô mở ra những cơ hội đi kèm rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quy mô diện tích lớn, dân số đông, đơn vị hành chính nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, văn hóa khác biệt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn... Trong 10 năm qua, thành phố nỗ lực khắc phục những hạn chế nội tại này; đã chọn những việc quan trọng, liên quan đến đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển để ưu tiên làm ngay. Đó là công tác tổ chức sắp xếp bộ máy, thống nhất cơ chế, chính sách; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng quy hoạch định hướng chiến lược phát triển, kế hoạch, lộ trình triển khai các dự án tạo hành lang cho quá trình phát triển... và đạt những thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội chưa tận dụng hết các cơ hội, tiềm lực về không gian phát triển và nguồn lực đất đai từ việc mở rộng địa giới hành chính để phát triển đúng với mục tiêu Nghị quyết số 15 đề ra. Hà Nội chưa được xây dựng thành một tổng thể đa trung tâm, cơ cấu sản lượng ngành nghề đóng góp cho thành phố gần như không thay đổi; chưa xuất hiện ngành nghề mới là nghiên cứu ứng dụng khoa học và các trung tâm sáng chế. Hành lang khu vực kinh tế Vùng Thủ đô đã hình thành, nhưng chưa phát huy được. Các đô thị vệ tinh đã được thể hiện trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhưng hiện vẫn chưa có quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, dân số và mật độ xây dựng trong nội đô không ngừng tăng dẫn đến tình trạng quá tải giao thông, trường học, bệnh viện, cấp nước, thoát nước... Trước thực tế này, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, sẽ thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, đồng thời tiếp tục cải cách hành chính theo hướng lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là trọng tâm và mục tiêu hoạt động.

Mục tiêu lớn, kỳ vọng nhiều, những thành quả chặng đường 10 năm qua là tiền đề rất căn bản để giai đoạn tiếp theo thành phố triển khai thực hiện các chiến lược phát triển. Tuy nhiên, Hà Nội có trở thành đô thị đa chức năng, Thủ đô có tầm vóc, quy mô lớn trong khu vực được hay không chắc chắn không thể thiếu được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan trung ương và sự đồng thuận của người dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước.