Kiểm soát chất lượng rau an toàn

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), với nhiều quy định, quy trình kỹ thuật cụ thể; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân…

Nhờ đó, đến nay diện tích sản xuất RAT trên địa bàn thành phố đạt hơn 5.000 ha; hình thành nhiều vùng sản xuất RAT tập trung, quy mô lớn tại các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Ðức, Phúc Thọ…, với giá trị sản xuất đạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm. Tổng sản lượng RAT đạt gần 400 nghìn tấn/năm. Thành phố đã hình thành gần 40 chuỗi liên kết RAT áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia giám sát của cộng đồng; tám cơ sở sơ chế RAT tại các vùng sản xuất tập trung, với công suất từ ba tấn đến năm tấn/ngày và hơn 40 cơ sở sơ chế của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Ngoài ra, có gần 230 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, sản lượng đạt trung bình hơn 40 tấn/ngày. Giá rau bán qua các chuỗi ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. RAT Hà Nội từng bước khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng sử dụng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân. Ý thức, kỹ năng sản xuất của nông dân nâng cao.

Tuy nhiên, chất lượng RAT vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, trong năm 2019, đơn vị đã lấy 1.025 mẫu RAT để kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), qua đó còn 33 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Ðối với 125 mẫu rau sơ chế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, có hai mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng tối đa cho phép.

Rau là thực phẩm quan trọng không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Nếu rau còn tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, thuốc cấm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc BVTV; duy trì diện tích sản xuất RAT hơn 5.000 ha đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị sản xuất đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Thành phố sẽ mở rộng thêm từ 3.000 đến 4.000 ha sản xuất RAT, bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Để kế hoạch phát triển RAT được triển khai hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất RAT, nhất là kỹ năng canh tác, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV; xây dựng quy trình sản xuất, nhóm thuốc BVTV và phân bón cho từng loại rau phù hợp. Ðồng thời, phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT thông qua các kênh phân phối, các nhóm tiêu thụ tại các khu dân cư. Tăng cường kiểm tra, giám sát, khuyến cáo kịp thời người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón, nguồn nước tưới bảo đảm an toàn, hiệu quả; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.