Khi hàng từ thiện bị… chấm mút

"Lá lành đùm lá rách" là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, cho nên thật chua xót khi chút vật chất nhỏ bé thể hiện sự đùm bọc đó lại bị một số cá nhân, tập thể có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc người khó khăn cắt xén, "ăn chặn". Sự việc xảy ra tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì) thời gian gần đây đã khiến dư luận bức xúc.

Lãnh đạo Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết, ngày 8-9-2019, trung tâm đón ba đoàn khách đến tặng quà từ thiện cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Các đoàn này đều trực tiếp phát quà tặng 330 người già, trẻ khuyết tật đang được chăm sóc tại trung tâm. Tuy nhiên, sau khi các đoàn từ thiện ra về, một số nhân viên làm việc tại đây đã “tuồn” một số hàng được tặng ra bên ngoài. Trước sự việc này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu trung tâm rà soát sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, xác định rõ danh tính những người tham gia vận chuyển quà ra ngoài. UBND thành phố Hà Nội giao Chánh thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập đoàn kiểm tra làm rõ thông tin nêu trên; xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 5-10. Sau khi rà soát, Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội xác định có 12 cán bộ liên quan việc vận chuyển hàng từ thiện ra ngoài và đang tiếp tục làm rõ sai phạm, đưa ra hình thức xử lý.

Ai sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó. Nhưng rõ ràng hành vi này đã làm sứt mẻ đi thứ quý giá hơn, đó là niềm tin của xã hội, nhất là của những tấm lòng thiện nguyện. Do đó, cần có hình thức xử lý nghiêm minh, có tính chất răn đe, cảnh tỉnh những người có nhiệm vụ, chức trách hỗ trợ đối tượng khó khăn. Đây cũng là bài học cho tất cả các trung tâm bảo trợ xã hội khác về việc quản lý quy trình tiếp nhận, sử dụng hàng từ thiện, bảo đảm các nguồn lực trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được sử dụng công khai, minh bạch, trao đúng người, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Ngành lao động - thương binh và xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân cần tăng cường, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý, điều hành và nghiệp vụ tại các trung tâm, đơn vị bảo trợ xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, lên án và xử lý những hành vi sai trái, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi bên cạnh một vài cá nhân, tập thể có hành vi đáng lên án, vẫn còn rất nhiều cá nhân, tập thể đầy trách nhiệm và tâm huyết với công tác hỗ trợ người khó khăn, đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, là địa chỉ tin cậy cho những tấm lòng hảo tâm gửi gắm sự sẻ chia với những thân phận thiệt thòi.