Khai thác hiệu quả quỹ đất

Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đối với diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt trên địa bàn Hà Nội còn không ít hạn chế. Nhiều diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt không được quản lý chặt chẽ, bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bị lấn chiếm xây dựng trái phép, biến thành tài sản riêng của cá nhân, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, nhiều người dân có nhu cầu sử dụng đất để cải thiện chỗ ở, mở rộng diện tích kinh doanh dịch vụ rất khó tiếp cận đất đai; chính quyền vừa vất vả trong công tác quản lý, vừa loay hoay lo nguồn lực đầu tư phát triển.

Nhằm giải bài toán này, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đấu giá đất năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố, với mục đích khai thác có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng diện tích đấu giá dự kiến hơn 677 ha, thu ngân sách từ đấu giá đạt hơn 53 nghìn 530 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, dự kiến đấu giá hơn 193 ha, thu ngân sách hơn 13 nghìn 710 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến đấu giá hơn 197 ha, thu ngân sách gần 16 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, dự kiến đấu giá gần 286 ha, thu ngân sách gần 24 nghìn tỷ đồng. Gần 1.770 dự án được đấu giá trong ba năm, trong đó dự án thuộc thành phố quản lý gần 430 dự án, tương đương gần 420 ha, cấp huyện quản lý là gần 1.340 dự án, với những khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt dưới 5.000 m2, tương đương hơn 260 ha đất. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá đất, UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền trúng đấu giá, hoàn trả đúng, đủ, kịp thời vốn đã ứng để thực hiện các dự án đấu giá; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đấu giá được hoặc đấu giá chậm trễ dẫn đến để đất hoang hóa, lãng phí. Cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng cho người trúng đấu giá và quản lý việc đầu tư, xây dựng theo quy hoạch.

Kế hoạch đấu giá đất rất rõ ràng, nhưng việc tổ chức đấu giá còn không ít khó khăn, vướng mắc. UBND thành phố cần chỉ đạo các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án, bảo đảm điều kiện sớm đưa ra đấu giá; tiếp tục rà soát quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt phù hợp quy hoạch để tổ chức đấu giá. Khẩn trương xử lý các tồn tại về đất đai theo quy định của pháp luật nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách và tăng cường công tác quản lý đất đai. Đối với các dự án đấu giá có diện tích lớn, UBND các quận, huyện, thị xã có thể đấu giá từng phần khi chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án; xem xét phương án đấu giá từng phần và quay vòng vốn thực hiện các hạng mục còn lại, nhưng phải lập quy hoạch tổng mặt bằng, bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tổng thể khu vực trước khi tổ chức đấu giá. Rút gọn các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đấu giá, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật.