Khắc phục tình trạng cục bộ trong xây dựng Vùng Thủ đô

Thực hiện Quyết định số 768/QÐ-TTg ngày 6-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðiều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, TP Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô đã hoàn thành việc phê duyệt các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch ngành, lĩnh vực của từng địa phương.

Trong đó, Hà Nội với vai trò là đô thị hạt nhân đã hợp tác các địa phương trong Vùng thực hiện nhiều công trình trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa Thủ đô và các tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng và với các vùng khác như Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội mở các tuyến xe buýt đến các tỉnh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản thực phẩm của các địa phương tại thị trường Hà Nội; tích cực liên kết, trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch... Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh trong Vùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu và ứng dụng khoa học trong khám, chữa bệnh; hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch…

Vùng Thủ đô Hà Nội được hình thành nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của cả vùng để phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Ðông - Nam Á và châu Á; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả Vùng; phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Tuy nhiên, đánh giá về việc thực hiện cơ chế phối hợp các tỉnh trong Vùng Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả đạt được sau ba năm chưa như mong muốn. Trước hết là do đến nay cơ chế liên kết, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng với nhau vẫn chưa được xác lập để tạo sự chủ động cho các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, liên kết. Một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các địa phương mang tính tự phát. Các liên kết kinh tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động một cách hợp lý, hay dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mà chủ yếu là liên kết giữa một số doanh nghiệp, địa phương trong đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... với quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững. Chính vì vậy, Hà Nội ngày càng bị quá tải về dân số, hạ tầng, trong khi các địa phương khác không phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững.

Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh trong Vùng Thủ đô, thời gian tới, TP Hà Nội cùng các tỉnh tiếp tục rà soát, xây dựng các kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương nói riêng và của cả Vùng nói chung. Trước hết là trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch của mỗi địa phương, phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín. Nghiên cứu giải pháp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của Vùng, chú trọng đến tính đặc thù và lợi thế của các tỉnh, thành phố. Có như vậy, mới đạt được mục tiêu xây dựng phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Ðông - Nam Á và châu Á những năm tới.