Khắc phục nợ đọng bảo hiểm xã hội

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Liên đoàn Lao động ( LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã đôn đốc, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30-6-2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể”.

Đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã tiếp nhận 592 bộ hồ sơ của các đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ cơ quan Bảo hiểm xã hội với số tiền nợ hơn 475 tỷ đồng và có 175 hồ sơ công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức công đoàn, đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp hơn 108 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội. LĐLĐ thành phố đã phối hợp Bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xem xét xử lý hình sự hơn 30 doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đến tháng 5-2020, TP Hà Nội có hơn 57.600 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng, tăng 990,8 tỷ đồng so với năm 2019. Đây thật sự là con số đáng lo ngại bởi ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động. Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội thành phố đã rà soát các đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt khó khăn, đủ tiêu chí đã được xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Hà Nội đã có hơn 110 đơn vị được phê duyệt dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với hơn 10.800 lao động. Sau rà soát, cán bộ bảo hiểm xã hội đã liên hệ và gửi văn bản đến các đơn vị để tiến hành đối chiếu số nợ, đôn đốc thu nợ, nhưng các doanh nghiệp viện rất nhiều lý do để chậm nộp hoặc trốn nộp. Bên cạnh lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng có những doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, khiến số nợ bảo hiểm xã hội tăng cao. Để khắc phục tình trạng này, trong những tháng cuối năm, bảo hiểm thành phố sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ, khởi kiện các đơn vị nợ đọng ra tòa.

Khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội ra tòa được xem là một biện pháp mạnh và hữu hiệu để xử lý các đơn vị vi phạm. Trên thực tế, lo sợ việc bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh doanh nghiệp, thời gian qua một số đơn vị đã tự nguyện truy nộp số tiền nợ đọng. Tuy nhiên, số tiền nợ đọng truy nộp chưa nhiều và quyền, lợi ích hợp pháp của hàng trăm nghìn lao động vẫn bị bỏ rơi khi doanh nghiệp cố tình chây ỳ không nộp bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống người lao động, các cấp công đoàn thành phố sẽ đẩy mạnh việc thực hiện nội dung công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.