Hạn chế đến mức thấp nhất nợ đọng thuế

Thời gian gần đây, công tác thu hồi nợ đọng thuế của TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên số nợ đọng vẫn ở mức cao, do số doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn, ngừng hoạt động tăng lên, cùng với tình trạng chây ỳ nợ thuế. Ðiều đó đòi hỏi các ngành chức năng phải thực hiện quyết liệt hơn, cùng với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành của thành phố để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nợ đọng thuế.

Một trong những giải pháp được đánh giá đạt hiệu quả cao trong thời gian qua là việc công khai danh tính các doanh nghiệp nợ đọng thuế nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những doanh nghiệp bị "bêu tên", trong đó có không ít doanh nghiệp có thương hiệu trên các lĩnh vực cũng đã thấy "rát mặt", có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế. Sự quyết liệt này cũng khiến những doanh nghiệp trong diện nợ đọng phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.Trong năm 2018, Cục Thuế Hà Nội đã công khai trên trang web của Cục 1.627 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất, với tổng số tiền nợ là hơn 6.350 tỷ đồng. Sau khi đăng thông tin này, đã có 660 doanh nghiệp và dự án nộp hơn 516,9 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tính chung cả năm 2018, Hà Nội đã thu hồi 12.100 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng, đóng góp quan trọng trong kết quả thu ngân sách của thành phố.

Bên cạnh việc đôn đốc quyết liệt, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị chây ỳ, thành phố luôn lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Cục Thuế đưa ra các giải pháp như: giải quyết xuất lẻ hóa đơn, hướng dẫn người nộp thuế gửi hồ sơ không tính tiền chậm nộp theo quy định, tổ chức đối thoại, trả lời công văn hướng dẫn vướng mắc cho người nộp thuế... Cục Thuế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không để phát sinh nợ mới, nhất là nợ dưới 90 ngày và giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ công chức ngành thuế. Ðồng thời thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế để từ đó đưa ra giải pháp thu hồi nợ phù hợp, kịp thời góp phần giảm số nợ đọng thuế.

Tuy nhiên, nếu nhiệm vụ này chỉ có ngành thuế thực hiện thì kết quả đạt được sẽ không cao. Lãnh đạo TP Hà Nội đã không ít lần yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung đôn đốc doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành đúng tiến độ nộp thuế đã cam kết. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát kiểm tra một số dự án chậm triển khai; chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính; không chấp hành nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nợ theo cam kết; tham mưu đề xuất UBND thành phố thu hồi các dự án theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, có nguồn nộp đối với khoản nợ thuế; phối hợp chặt chẽ cơ quan thuế các cấp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các ban chỉ đạo về đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn; xây dựng chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc phối hợp, cơ quan thuế địa phương tập trung đôn đốc, thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ như vậy, nhiệm vụ khó khăn này mới đạt hiệu quả cao.