Gìn giữ vệ sinh nơi công cộng

Có lẽ, ai cũng biết, ngay từ khi bước vào học mẫu giáo, bài học về giữ gìn vệ sinh công cộng đã được cô giáo dạy cho những em nhỏ. Những bài học gìn giữ vệ sinh ở những địa điểm công cộng như ở nhà hát, công viên, vườn hoa, vỉa hè… tiếp tục được đưa đến các em học sinh trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường, bằng nhiều hình thức khác nhau. Trên đủ mọi phương tiện truyền thông, từ báo, đài, cho đến loa phát thanh, rồi cả những băng-rôn, biểu ngữ, chuyện tưởng rất đơn giản ấy - giữ vệ sinh công cộng - tiếp tục được tuyên truyền.

Thậm chí, nhiều hành vi vi phạm quy định về giữ vệ sinh công cộng còn bị phạt, thí dụ như vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định… Thế nhưng, dù kết hợp cả ba hình thức: Giáo dục, tuyên truyền, xử phạt, thì những địa điểm công cộng vẫn là nơi một số người thường xuyên xả rác, thậm chí là nơi tiểu bậy. Sự việc tác phẩm nghệ thuật Tháp đặt tại bờ hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô buộc phải tháo dỡ vì bốc mùi xú uế một lần nữa nói lên ý thức của người dân về vấn đề giữ gìn văn minh công cộng.

Trước đó, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2019), UBND quận Hoàn Kiếm đã đặt hàng nhà điêu khắc Mai Thu Vân thiết kế sáu tác phẩm nghệ thuật, gồm: Tháp, Nhịp điệu, Những ô cửa, Saphia, Hoa và Tháng Mười để trưng bày quanh hồ Hoàn Kiếm, làm không gian hồ thêm sinh động. Đây đều là những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Trong đó, tác phẩm Tháp mô phỏng một ngọn tháp nhiều tầng, có những ô cửa mà người ta có thể chui ra, chui vào được. Nhưng chỉ ít ngày, tác phẩm nghệ thuật đã bốc mùi xú uế nồng nặc. Nhiều khách tham quan tò mò chui vào, lập tức phải chui ra vì không chịu nổi. Mặc dù đã có biển nhắc nhở, nhưng một số người vẫn tiếp tục phóng uế. Đến những ngày cuối tháng 10, chỉ đi ngang qua tác phẩm nghệ thuật này, mọi người đã phải bịt mũi. Tác phẩm nghệ thuật buộc phải dỡ đi nhưng nỗi buồn ở lại. Đó là nỗi buồn về văn hóa ứng xử. Nghiêm trọng hơn, nó xảy ra ở điểm di tích đáng tự hào nhất của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, vốn nổi danh là thanh lịch, hào hoa.

Hồ Hoàn Kiếm luôn có đội bảo vệ, luôn có công nhân và cả những bạn trẻ tình nguyện thường xuyên thu dọn rác. Tuy nhiên ngay cả ban ngày, thi thoảng vẫn có những người lén lút tiểu bậy ở bụi cây. Chưa kể, nhiều người dắt chó để mặc chúng phóng uế ra đường dạo, thảm cỏ. Ngày cuối tuần, những người dọn rác phải hoạt động hết công suất. Dịp lễ, Tết, hồ Hoàn Kiếm thường ngập trong “biển rác”. Tình trạng này khá phổ biến ở vườn hoa, công viên và nhiều công trình công cộng khác.

Hà Nội đã qua hơn hai năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và có chuyển biến nhất định. Ở những không gian này, ngoài Quy tắc ứng xử, chính quyền thành phố đã ban hành chế tài. Song, tiếc rằng, hiếm khi có lực lượng chức năng đứng ra xử lý, gây ra tình trạng coi thường pháp luật. Để bảo vệ những không gian công cộng, nhất là “nơi lắng hồn núi sông” như hồ Hoàn Kiếm, cần thiết phải tăng chế tài. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm những vi phạm. Kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với xử phạt mới có thể chấm dứt được tình trạng phản văn hóa này.