Giải pháp góp phần nâng cao chỉ số PCI

Theo Kết quả xếp hạng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, TP Hà Nội xếp ở vị trí thứ chín trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nằm trong tốp mười tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. Tuy vậy, vẫn còn một số chỉ số thành phần bị xếp hạng thấp và có xu hướng giảm hạng cần sớm được cải thiện.

Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm giữ vững kết quả Chỉ số PCI nằm trong nhóm mười tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019. Trong văn bản này, thành phố phân công rất rõ ràng cơ quan làm đầu mối chủ trì theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện các chỉ số bị xếp hạng thấp. Ðơn cử như đối với chỉ số "Tính minh bạch", chỉ số giảm sâu nhất trong các chỉ số (xếp thứ 55 trong số 63 tỉnh, thành phố, giảm 18 bậc so với năm trước), thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, làm đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện. Trước ngày 15-7, Văn phòng UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc công khai, minh bạch thông tin trên trang web, trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các quy hoạch, quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố... cho công dân, doanh nghiệp. Về chỉ số "Cạnh tranh bình đẳng" (xếp thứ 62/63), UBND thành phố giao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ trì, phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề thành phố theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện. Thành phố yêu cầu các hiệp hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách của trung ương, thành phố; thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối giữa chính quyền thành phố với các doanh nghiệp để lan tỏa tốt hơn các chủ trương, chính sách của thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp. Ðịnh kỳ hằng quý, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp gửi về Sở Kế hoạch và Ðầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế về chỉ số "Tiếp cận đất đai", giao Sở Nội vụ chủ trì theo dõi, thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số "tính năng động của chính quyền" và chỉ số "Chi phí không chính thức"…

Bên cạnh đó, thành phố giao các đơn vị chủ trì triển khai các giải pháp để phát huy các chỉ số thành phần, các chỉ tiêu có xếp hạng tốt như: chỉ số "Chi phí gia nhập thị trường" (xếp thứ 6/63), chỉ số "Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" (xếp thứ 5/63), chỉ số "Ðào tạo lao động" (xếp thứ 4/63)… nhằm hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đúng như phương châm: "Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ".

Trong sáu năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ số PCI của Hà Nội đã tăng trưởng vượt bậc, từ vị trí thứ 51 (năm 2012) vươn lên vị trí thứ chín trên bảng xếp hạng của cả nước. Tuy nhiên, nếu thành phố không tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì và phát huy các chỉ số được xếp hạng cao và nghiêm túc khắc phục các chỉ số bị xếp hạng thấp, thì kết quả nằm trong tốp mười tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cũng khó bền vững. Hy vọng rằng, sau khi được phân công rõ người, rõ việc, với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cùng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố sẽ tạo nên những chuyển biến rõ nét hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững và đưa chỉ số PCI đứng ở một trong những vị trí dẫn đầu cả nước.