Ðể phong trào thi đua thực chất và hiệu quả hơn

Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, TP Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh và là nơi khởi xướng, lan tỏa mạnh mẽ nhiều phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua luôn được đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; tập trung giải quyết các khâu yếu, việc khó, các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Nhiều phong trào, mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả, nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội của cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô, tiêu biểu như các phong trào "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", "Xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"… Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương của thành phố còn thi đua thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của từng năm như: "Năm trật tự văn minh đô thị", "Năm kỷ cương hành chính", "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị"...

Ðáng chú ý, từ năm 1992 đến nay, thành phố đã triển khai phong trào "Người tốt, việc tốt". Sau 26 năm thực hiện, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống xã hội, được các cơ quan, địa phương trên khắp cả nước nghiên cứu, tham khảo và nhân rộng. Ðã có 24 nghìn gương "người tốt, việc tốt" được thành phố biểu dương, khen thưởng; hơn 320 nghìn "người tốt, việc tốt" được các địa phương và đơn vị của thành phố khen thưởng. Năm 2010, Hà Nội ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"- danh hiệu cao quý nhất của thành phố để ghi nhận, tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Qua tám năm thực hiện đã có 80 "Công dân Thủ đô ưu tú" với đủ các lứa tuổi và thành phần xã hội được thành phố khen thưởng và tôn vinh.

hời gian tới, thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và chủ đề công tác hằng năm, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; phát động và triển khai hiệu quả thi đua theo chuyên đề. Khắc phục "bệnh hình thức" trong thi đua; từ đánh giá, xếp loại đến khen thưởng đều phải đảm bảo thực chất. Trong đó tập trung thi đua thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp của thành phố hiện nay như cải cách hành chính; bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý trật tự đô thị; phát triển hạ tầng; phát triển y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI... Các ngành, đơn vị lấy kết quả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả phong trào thi đua, đồng thời là kết quả đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố vừa được Thành ủy ban hành, chính thức áp dụng từ ngày 1-7-2018.