Đổi mới để gần dân hơn

Sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hà Nội đã sắp xếp cho các đại biểu tiếp xúc cử tri ở những quận, huyện ngoài đơn vị ứng cử. Việc hoán đổi địa bàn và tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề sâu của Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội tạo cơ hội để đại biểu gần hơn với cử tri, nắm rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với các cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: DUY LINH
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với các cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: DUY LINH

Mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri

Trong hai ngày 20 và 30-11, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội đã có các cuộc tiếp xúc với cử tri hai huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên. Đây là lần đầu Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội thực hiện việc hoán đổi, mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri của các đại biểu, thu hút đông đảo cử tri tham dự.

Cử tri Trần Bá Cao, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi khi đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội dù không ứng cử ở Phú Xuyên nhưng vẫn dành thời gian xuống gặp gỡ, tiếp xúc với bà con. Sáng kiến phân công luân phiên các đại biểu QH đi tiếp xúc cử tri các địa phương đã giúp người dân chúng tôi có điều kiện trực tiếp gặp, phản ánh với các đại biểu, nhất là các đại biểu là lãnh đạo thành phố những vấn đề quan tâm, bức xúc. Cử tri huyện Phú Xuyên kiến nghị thành phố hỗ trợ các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa sản xuất, hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh tập trung; kiên cố hóa kênh mương và “bê-tông hóa” giao thông nội đồng. Cử tri Tạ Quang Minh (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) đánh giá: Việc xếp lịch tiếp xúc cử tri chéo của Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội là một cách làm mới, sáng tạo, giúp các đại biểu có thêm thông tin và cử tri có cơ hội để kiến nghị về những vấn đề quốc kế dân sinh.

Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trách nhiệm của đại biểu không chỉ là đối với cử tri nơi bỏ phiếu bầu ra mình, mà còn đối với cử tri Thủ đô, cử tri cả nước. Đây là lý do để Đoàn đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri. Qua đó, các đại biểu được tiếp xúc với cử tri ở các địa bàn khác nhau, nghe nhiều ý kiến khác nhau, nắm bắt tình hình sâu rộng, toàn diện hơn. Những ý kiến xuất phát từ cuộc sống thực tế của cử tri đã góp phần rất quan trọng giúp đại biểu có thêm dẫn chứng sinh động để phát biểu thảo luận trong kỳ họp, các phiên chất vấn, đồng thời là những gợi ý giúp Đảng, Nhà nước, Quốc hội đề ra những chính sách phù hợp, có tính khả thi cao.

Tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề

Không chỉ mở rộng đối tượng tiếp xúc, Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội còn tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Liên tiếp trong tháng 12, Đoàn đã tổ chức hai cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức, quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội” - vấn đề “nóng” có ảnh hưởng lớn tới nhiều người dân.

Từ nhiều năm nay, mâu thuẫn giữa người dân sinh sống trong các khu chung cư với chủ đầu tư chung quanh phí dịch vụ, quỹ bảo trì tòa nhà, việc khai thác, sử dụng và quản lý diện tích chung… luôn được các cử tri quan tâm. Vì thế, buổi tiếp xúc chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư của Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thu hút đông cử tri tham dự. Nhiều cử tri rất vui mừng vì vào ngày chủ nhật, nhưng có tới tám đại biểu QH xuống tận khu dân cư lắng nghe ý kiến người dân. Việc tổ chức tiếp xúc chuyên đề là cần thiết để cử tri có thể nói rõ, nói sâu về một vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cử tri Nguyễn Đức Thịnh, tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm phản ánh: Người dân ba tòa nhà tái định cư đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà thành lập ban quản trị tòa nhà để giải quyết nhiều mâu thuẫn hiện tại, nhưng không được đáp ứng. Cử tri rất tin tưởng và trông đợi các đại biểu QH tại buổi tiếp xúc này nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng giải quyết. Phó trưởng Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu khẳng định, Đoàn sẽ tổng hợp và yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết cụ thể và sẽ giám sát đến cùng việc xử lý này.

Cử tri mong rằng, không chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc trong hội trường, trước và sau mỗi kỳ họp, Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội sẽ tiếp tục có sự đổi mới theo hướng sát dân, gần dân để các đại biểu dân cử thật sự là cầu nối truyền tải tâm tư nguyện vọng của người dân tới QH và các cơ quan có chức năng.