Đánh giá cán bộ thực chất, hiệu quả hơn

Hầu hết cán bộ đều hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí tỷ lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt khá cao, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị vẫn không “trôi”. Đó là thực trạng của không ít cơ quan, đơn vị của Hà Nội khi đánh giá cán bộ còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, dẫn đến chưa phản ánh đúng thực tế, chưa đánh giá hết từng vị trí công tác, kết quả làm việc thực chất của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Nhận thức rõ hạn chế này, những năm gần đây, một số cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội đã chủ động xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ để nâng cao chất lượng công việc. Quận Tây Hồ, quận Long Biên là hai địa phương đi đầu và đã thực hiện rất tốt công việc này, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trình độ cùng ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên một bậc. Từ các mô hình hiệu quả đó, Thành ủy Hà Nội vừa ra Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, chính thức thực hiện từ ngày 1-7-2018.

Quy định gồm ba chương, 16 điều, nêu rõ mục đích, yêu cầu; căn cứ đánh giá, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, thẩm quyền, tiêu chí đánh giá, xếp loại; quy trình đánh giá, xếp loại và khen thưởng... Thành ủy Hà Nội quy định thang điểm 100 làm căn cứ đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng, bao gồm: 20 điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; 70 điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và 10 điểm thưởng. Theo quy định này, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng sẽ đạt loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) nếu đạt 90-100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ) nếu đạt 70 đến dưới 90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt dưới 50 điểm. Tỷ lệ được đánh giá, xếp loại A không quá 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được xếp loại. Trường hợp tập thể đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội thì tỷ lệ cá nhân được đánh giá, xếp loại A cũng không vượt quá 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của cơ quan, đơn vị.

Việc ban hành quy định này nhằm khắc phục những bất cập về công tác đánh giá cán bộ, nhất là tình trạng “cào bằng”, thiếu thực chất, không phản ánh đúng vị trí việc làm... Kết quả đánh giá, xếp loại hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng là căn cứ để bình xét khen thưởng hằng tháng và đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm. Đây còn là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác theo lịch từng tuần, từng tháng, từng quý phân công rõ người (chủ trì, tham mưu, phối hợp), rõ việc, rõ tiến độ. Ngoài ra, việc đánh giá phải thực hiện đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị để bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, thực chất và đúng trình tự quy định.