Chung tay cải thiện chất lượng không khí

Những ngày qua, vấn đề ô nhiễm không khí, bụi mịn trên địa bàn TP Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt. Chỉ số chất lượng không khí đo tại các trạm quan trắc thường xuyên ở mức kém và mức xấu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Những người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh hô hấp được cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế sinh hoạt ở ngoài trời để bảo đảm sức khỏe. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các cơ quan chức năng, chuyên gia chỉ rõ là xuất phát từ khí thải của hàng triệu phương tiện giao thông, hơn 60 nghìn bếp than tổ ong đang được các hộ dân sử dụng để đun nấu; quá trình phá dỡ, vận chuyển chất thải xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và xây dựng các công trình. Khói bụi từ các cơ sở sản xuất và cả việc người dân tại các huyện ngoại thành sau khi thu hoạch lúa đốt rơm rạ… Ðáng chú ý, thời tiết hanh khô, ít mưa làm cho các chất thải trên bị "mắc kẹt", lơ lửng trên không trung, khó phát tán và bay hơi.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm môi trường như lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động, công khai các chỉ số chất lượng không khí; thực hiện chương trình trồng thêm một triệu cây xanh; cải tạo chất lượng nước, cảnh quan môi trường các hồ trong khu vực nội thành; cải tiến quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô… Các giải pháp này đã bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng còn nhiều hạn chế, trong đó mấu chốt là chưa xử lý được tận gốc các nguồn phát thải gây ô nhiễm.

Vì thế, để cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng không khí, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục lắp đặt các trạm quan trắc không khí. Sớm thực hiện đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trước mắt xử lý nghiêm các phương tiện giao thông tự chế, cũ nát, quá niên hạn sử dụng; phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Xem xét nâng tiêu chuẩn về khí thải đối với các phương tiện giao thông. Ðẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư. Có quy định và giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, các chủ đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng chở quá tải, không che chắn theo quy định. Tiếp tục thay đổi việc thu gom rác thải thủ công sang cơ giới với các phương tiện quét, hút hiện đại. Ðiều đáng nói là, người dân cùng chung tay hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như không đốt rác thải bừa bãi, không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thay thế bếp than tổ ong bằng các nhiên liệu khác trong đun nấu; đổ rác đúng giờ, nơi quy định.