Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời điểm này, người dân cần đặc biệt lưu ý ba dịch bệnh đang lưu hành, gồm tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Hiện nay, cả nước đã ghi nhận gần 62 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, gần 1.100 trường hợp mắc sởi và gần 68 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó bệnh tay chân miệng đã làm chết sáu người, bệnh sốt xuất huyết làm chết 11 người.

Tại Hà Nội, bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết là các bệnh lưu hành hằng năm và luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch do các nguyên nhân khách quan. Đó là công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân... Ngoài ra, chính quyền một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế chống dịch, chưa thực hiện vệ sinh môi trường triệt để, chưa chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn... Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 1.700 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc trong các tuần gần đây tăng cao, với khoảng từ 50 đến 60 ca/tuần, trong khi các thời điểm trước đó mỗi tuần chỉ có từ 15 đến 20 ca. Mặc dù các ca mắc rải rác ở hơn 400 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, không ghi nhận ổ dịch lớn và phần lớn số người bệnh đều mắc ở thể nhẹ, tự khỏi, chỉ còn hơn 60 trường hợp đang điều trị, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch.

Để chủ động phòng, tránh các dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội vừa phối hợp Bộ Y tế triển khai Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. UBND thành phố đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng, chống dịch năm 2018 của thành phố, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cũng như công tác tiêm phòng trên địa bàn để có phương án can thiệp, xử lý kịp thời. UBND các quận, huyện, thị xã phải coi công tác phòng, chống bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết để hoạt động phòng dịch được thường xuyên, liên tục. Thành phố yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và chủ động tham mưu UBND thành phố các biện pháp phòng, chống. Tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - ru-be-la cho trẻ từ một đến năm tuổi đạt tỷ lệ hơn 95%.

Đây là những việc làm rất kịp thời, chủ động của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, để việc phòng, chống dịch bệnh thật sự hiệu quả, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, như diệt bọ gậy, muỗi... Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch. Đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.