Chủ động ngăn chặn bệnh dịch cho gia súc

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh tả lợn châu Phi và hơn 1,8 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại nước ta, bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại các tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam. Mới đây nhất, tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện đàn lợn gồm 25 con bị mắc bệnh này. Ngay khi phát hiện, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa, cách ly khu vực chăn nuôi nêu trên và tiêu hủy đàn lợn theo quy định; đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần thiết để tránh lây lan. Cho đến nay, các mẫu lợn xét nghiệm khu vực chung quanh đều an toàn, không phát sinh lợn bệnh trên địa bàn. Mặc dù ổ dịch đã được khoanh vùng khống chế, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh còn rất lớn thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn; hoạt động du lịch của người dân.

Trước đó, ngày 22-2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh. Thành lập ban chỉ đạo cấp huyện; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, các hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống bệnh. Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của đơn vị trong thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng, chống dịch, nhất là người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, sản phẩm từ lợn; đồng thời làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc... Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, nếu địa phương nào để xảy ra bệnh tả lợn châu Phi do lơ là, thiếu trách nhiệm, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ quản lý khu vực phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có khả năng lây lan nhanh trên đàn lợn và tỷ lệ chết 100%. Bệnh không lây nhiễm từ lợn sang người, nhưng lây truyền sang chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm nhiều loại bệnh nguy hiểm như tai xanh, thương hàn,… và những bệnh này rất nguy hiểm đối với người. Hiện nay, thời tiết nóng, ẩm, rất dễ phát sinh dịch bệnh trong khi người chăn nuôi đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm, trong đó có đàn lợn. Vì thế, các địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như tổ chức phun tiêu độc khử trùng, mở chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, tiêm phòng đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật.