Cần giải pháp đồng bộ, căn cơ

Thông tin về việc TP Hà Nội giao các đơn vị chức năng xén bớt dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Ðê La Thành, để mở rộng lòng đường phục vụ giao thông đang gây sự chú ý của dư luận trong những ngày qua.

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xây dựng cuối năm 1990, hoàn thành năm 1998. Tuyến đường dài 1,8 km; điểm đầu giao phố Kim Mã, cắt ngang qua Ðê La Thành, điểm cuối giao với đường Láng, nối với đường Trần Duy Hưng. Với chức năng là trục giao thông kết nối trung tâm thành phố với Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ðại lộ Thăng Long ở phía tây Thủ đô, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt rộng 50 m; mỗi bên đường gồm hai làn xe, vỉa hè, các cột đèn chiếu sáng, cống thoát nước, cây xanh được thi công đồng bộ. Quỹ đất dự phòng được sử dụng làm dải phân cách giữa tuyến đường rộng 20 m, được trang trí bởi hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, tạo cảnh quan đẹp mắt. Năm 2001, tuyến đường được Bộ Giao thông vận tải bình chọn là tuyến đường đẹp nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 20 năm vận hành, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và những tuyến đường ở khu vực phía tây thành phố đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng kéo theo sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông. Trước thực trạng nêu trên, những năm gần đây, TP Hà Nội đã thi công cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - đường Láng, góp phần giảm tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, áp lực giao thông trên tuyến đường vẫn rất lớn; năng lực thông xe kém, do lưu lượng phương tiện nhiều, trong khi hạ tầng hạn chế. Mới đây thành phố đã quyết định thu hẹp dải phân cách giữa tuyến đường từ 20 m xuống còn 4,4 m, để mở thêm làn đường phục vụ giao thông.

Mặc dù việc thi công không quá tốn kém, do không phải chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, thời gian thi công khá nhanh (khoảng ba tuần) nhưng việc thu hẹp khoảng không gian xanh khiến không ít người xót xa. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp tình thế, giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ nhưng chưa đủ để giải bài toán ùn tắc giao thông trên cả trục giao thông này nói riêng, hệ thống giao thông khu vực phía tây thành phố nói chung, bởi giao thông cần sự liên hoàn, mang tính hệ thống cao. Chưa kể, nhiều người tham gia giao thông thiếu ý thức, không đi đúng làn đường quy định, gây nên tình trạng lộn xộn, khiến các phương tiện bị tắc nghẽn, không thể di chuyển.

Do đó, cùng với việc thi công cải tạo tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, lực lượng chức năng của thành phố cần tiến hành phân làn phương tiện trên trục Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng để tạo thói quen đi đúng làn đường cho người tham gia giao thông. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực phía tây thành phố, cũng như trên địa bàn Thủ đô, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có tính chất căn cơ như: Ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô, di chuyển các trường đại học, cơ sở sản xuất, phát triển các đô thị vệ tinh...