Cải thiện hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, ngoài chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng đất nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" của Trung ương, TP Hà Nội lựa chọn thêm một số nội dung thi đua gắn với các nhiệm vụ cụ thể của thành phố như: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường Thủ đô xanh - sạch - đẹp...

Trong dịp này, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết 5 năm triển khai Ngày Pháp luật và tổng kết, trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015" trên địa bàn.

Ðược phát động từ tháng 5-2018, đến nay cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Trong số bài gửi về tham gia dự thi, đáng chú ý có khoảng 380 nghìn bài dự thi của các em học sinh từ 14 tuổi trở lên.

Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, việc phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực và hướng về cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, nổi bật là các hình thức thi tìm hiểu pháp luật; hòa giải cơ sở, tập trung tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số xa trung tâm, người lao động ở các khu công nghiệp, sinh viên, các đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự an toàn xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống cháy nổ; ý thức chấp hành thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, Quy tắc ứng xử nơi công cộng của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Dù đã thu được nhiều kết quả tích cực, song công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế. Ðợt giám sát mới đây về công tác này của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL và cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp, cho nên chưa sát sao kiểm tra, đôn đốc công việc. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa sâu rộng đến mọi người dân; hình thức chưa phong phú, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều.

Ðể công tác tuyên truyền, PBGDPL đi vào cuộc sống, thời gian tới bên cạnh việc kiện toàn, đẩy mạnh đội ngũ báo cáo viên, thành phố cần phát huy tốt vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL. Biên soạn các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật với những nội dung trích dẫn cần thiết, dễ hiểu để phát tới các khu dân cư; hỗ trợ các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa, đài truyền thanh để hướng dẫn người dân hiểu, dễ nhớ và áp dụng. Về lâu dài, thành phố cần hướng đến xây dựng tủ sách pháp luật điện tử phù hợp xu thế phát triển của xã hội.