Cải tạo chợ truyền thống gắn với hoạt động du lịch

Hà Nội hiện có hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn nhỏ. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người dân. Theo khảo sát của tổ chức HealthBridge (Nhịp cầu sức khỏe - Ca-na-đa), số người thích mua sắm ở cả chợ lẫn siêu thị lên đến 70%. Cùng với yếu tố tiện lợi, việc mua bán tại chợ truyền thống còn ăn sâu vào tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân bởi chợ truyền thống còn nhiều thực phẩm phong phú, nhất là một số khu chợ vẫn có người đem trực tiếp sản phẩm họ làm ra đi bán.

Tuy nhiên, nhược điểm của chợ truyền thống là khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, phần lớn các chợ đều xập xệ, nhếch nhác, nhất là khu vực bán thủy, hải sản, gia cầm. Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải tạo chợ truyền thống, song, không ít trường hợp thất bại. Chợ Hàng Da là một thí dụ điển hình. Chợ được biến thành trung tâm thương mại. Khu vực mang phong cách “chợ truyền thống” được đưa xuống tầng hầm. Kết quả là cả khu vực cho thuê mặt bằng lẫn khu bán thực phẩm dưới hầm đều vắng khách. Một số chợ khác sau cải tạo thì chỉ hoạt động như một khu nhà cho thuê văn phòng. Trong khi người dân khu vực lại gặp khó khăn trong mua sắm.

Chính vì lý do này, Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp HealthBridge triển khai Dự án “Diện mạo mới cho chợ truyền thống trong đô thị”. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, những kiến trúc sư tham gia dự án sẽ được chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển chợ truyền thống trong đô thị tại các nước trên thế giới, cùng nghiên cứu và phát triển các đề xuất để bảo tồn nét văn hóa và nâng cấp không gian chợ.

Ðầu tháng 11 này, các kiến trúc sư đã làm việc theo nhóm, nghiên cứu, khảo sát ba khu chợ cụ thể đang dự kiến được nâng cấp, gồm: Chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Ðình), chợ Hạ (huyện Mê Linh). Từ đó, các kiến trúc sư sẽ đề xuất những giải pháp giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn; đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận của cộng đồng, tiếp tục là không gian mua bán - sinh hoạt của cộng đồng dân cư, song vẫn bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, việc vận hành các gian hàng hiệu quả. Chú trọng đến yếu tố có thể kết nối du lịch với chợ, căn cứ vào những lợi thế hiện có. Chẳng hạn như chợ Châu Long có vị trí gần các điểm du lịch, một mặt quay ra hồ Trúc Bạch có phong cảnh đẹp; chợ Ngọc Lâm nằm ngay phía dưới chân cầu Long Biên, sát với chợ ẩm thực Ngọc Lâm dọc sông Hồng...

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tiến tới đề xuất giải pháp, song đây là cách tiếp cận mới đối với việc cải tạo chợ truyền thống. Trong đó, yếu tố tập quán mua bán của người dân được quan tâm hơn. Việc định hướng kết nối du lịch với một số chợ này hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế, chính hoạt động trải nghiệm không gian chợ truyền thống - trải nghiệm ẩm thực địa phương mới là yếu tố thu hút khách du lịch. Tại khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Bè, từng là khu chợ tạm, nhưng nay vẫn bán nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống luôn là địa chỉ hấp dẫn với khách nước ngoài.

Mong rằng, những kết quả của nghiên cứu về cải tạo chợ truyền thống được quan tâm đúng mức, từ đó, triển khai trên thực tế, để chợ truyền thống giữ được nét văn hóa vốn có, đồng thời, đáp ứng được những tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại.