Bước khởi đầu xây dựng thành phố thông minh

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội. Đây là một hoạt động của Hà Nội trong nỗ lực xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới. Bởi tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đang khiến Hà Nội trở thành một siêu đô thị với nhiều thách thức trong các lĩnh vực như quy hoạch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng...

Trong bối cảnh đó, những thành tựu của khoa học công nghệ được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề, đem lại sự thuận tiện, hiệu quả trong hoạt động quản lý và vận hành đô thị, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư. Như trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công, với các phần mềm trên nền tảng in-tơ-nét, người dân, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ, thực hiện thủ tục và nhận kết quả tại nhà mà không cần đến tận cơ quan, công sở. Trong lĩnh vực giao thông, với mỗi "cảm biến giao thông" ngay trong chiếc điện thoại di động thông minh, cùng với các dữ liệu thu thập từ vệ tinh, hệ thống có thể cung cấp cho người dân thông tin về các khu vực đang có mật độ giao thông cao, hướng dẫn, chỉ đường đi với thời gian và quãng đường ngắn nhất bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong lĩnh vực tài chính, với các ứng dụng ví điện tử, mã thanh toán QR, người dân không cần đem theo tiền mặt, chỉ cần mở ứng dụng, chụp ảnh mã QR trên sản phẩm là đã thanh toán xong.

Có thể thấy, công nghệ ngày càng góp phần thay đổi cuộc sống con người, đem lại những tiện ích lớn lao. Theo các chuyên gia, để xây dựng thành phố thông minh có rất nhiều việc cần làm. Nhưng quan trọng nhất là phải xác định được thành phố và người dân mong muốn điều gì? Từ nhu cầu đó, công nghệ sẽ thay đổi để đáp ứng. Nếu một công nghệ, ứng dụng được đầu tư triển khai, nhưng người dân không có nhu cầu sử dụng thì cũng sẽ thất bại. Thành phố thông minh cần tiếp tục lấy người dân làm trọng tâm, hình thành những cộng đồng thông minh, cư dân thông minh để phát huy được tính hiệu quả của công nghệ. Điều này cũng liên quan mật thiết đến đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ, mà còn nâng cao trình độ nhận thức, thay đổi thói quen của người dân. Theo nhiều chuyên gia, nên bắt đầu từ đối tượng học sinh, sinh viên - những người dễ thích nghi, nắm bắt công nghệ mới, từ các cá nhân này lan tỏa ra gia đình, hàng xóm, cộng đồng khu dân cư. Một yếu tố quan trọng không kém là cần lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm để triển khai một cách đồng bộ, bài bản, từ cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và tính hiệu quả khi đưa công nghệ vào cuộc sống. Với những hoạch định rõ ràng, định hướng đúng đắn và quyết tâm của chính quyền, người dân, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một thành phố thông minh trong tương lai không xa.