Bỏ tục đốt vàng mã

Vào mùa lễ hội, cảnh đốt vàng mã lại diễn ra tràn lan trong các gia đình, trên các tuyến phố và nhất là tại các đền, chùa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với quan niệm "trần sao âm vậy", vàng mã được biến tướng thành những mô hình quần áo, nhà lầu, xe hơi, ngựa, điện thoại, thậm chí cả người giúp việc… với giá bán không hề rẻ. Số tiền mà người dân bỏ ra mỗi năm để mua "tiền giả" đem đốt không thể tính hết, đây là một sự lãng phí rất lớn. Việc đốt vàng mã quá nhiều là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy.

Những tác hại của việc đốt vàng mã bừa bãi, tràn lan đã được nói đến nhiều lần. Mới đây nhất, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong đó ghi rõ, các cơ sở thờ tự Phật giáo phải hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các địa điểm này. Sau văn bản này, nhiều đền, chùa trên địa bàn Hà Nội hướng dẫn tăng ni, phật tử và khách hành hương không đốt vàng mã. Tại chùa Ðậu (huyện Thường Tín), các tấm biển "Không mang hương nến, tiền vàng vào chùa" được gắn khắp nơi. Tại các khu vực sắp lễ thường xuyên có người nhắc nhở người dân bỏ lại hương nến, tiền vàng, chỉ dâng lễ hoa quả, bánh kẹo… Có sự hướng dẫn, nhắc nhở tận tình, hầu hết người dân đi lễ chùa vui vẻ chấp hành. Tại nhiều ngôi chùa lớn khác như: Trấn Quốc, Quán Sứ, tình trạng đốt vàng mã cũng giảm hẳn, không còn cảnh lò hóa vàng đỏ rực như nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở thờ tự khác và tại các gia đình, người dân vẫn mua và đốt nhiều vàng mã.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và đại diện T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tục đốt vàng mã không có trong Phật giáo Việt Nam. Do đó, đã đến lúc dừng lại hủ tục này. Trước hết, các chùa, cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu về tập tục, hiểu những ảnh hưởng tiêu cực mà việc đốt vàng mã gây ra cho môi trường, nền kinh tế, an ninh trật tự. Các vị chức sắc cần lên tiếng bởi họ là những người có uy tín trong hoạt động văn hóa tâm linh. Việc đốt vàng mã phải thực hiện đúng nơi quy định, có lò đốt và thu gom tro tàn hợp vệ sinh, không đốt bừa bãi trên đường phố gây nguy cơ cháy. Sau đó, từng bước tiến tới bỏ hẳn việc mua và đốt vàng mã bừa bãi. Biện pháp cứng rắn hơn là các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, ngăn chặn sản xuất buôn bán vàng mã. Thờ cúng là hoạt động văn hóa tâm linh tốt đẹp, là nghi lễ để mọi người lắng tâm, thành kính và chiêm nghiệm, hướng tới điều hay lẽ phải trong cuộc sống chứ không phải là cách để bày vẽ, khoa trương, hối lộ thánh thần hòng cầu danh lợi.