Bình ổn thị trường dịp cuối năm

Thời điểm từ trước Tết Dương lịch cho tới Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, đồ uống và các sản phẩm đặc trưng Tết để phục vụ người tiêu dùng. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm nay trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Tuy các doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, khó xảy ra tình trạng khan hàng nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, nhất là trong bối cảnh năm nay, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn tại nhiều địa phương và ảnh hưởng đến sản xuất, làm giảm nguồn cung một số nhóm hàng hóa thiết yếu. Khả năng tự sản xuất, cung cấp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu về thịt bò, 5% nhu cầu về thủy hải sản, 25% về thực phẩm chế biến… Phần còn thiếu đều phải khai thác từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Lượng hàng hóa này phụ thuộc nhiều vào tình hình sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp địa phương, đồng thời cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan như vận chuyển, thời gian lưu thông… Ngoài ra, nhu cầu một số mặt hàng phục vụ Tết như hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương), hoa, cây cảnh cũng tăng cao. Ngay cả khi nguồn hàng đầy đủ cũng khó tránh khỏi việc thị trường thiếu hàng cục bộ trong một thời điểm. Phổ biến hơn là tình trạng nhiều tiểu thương tự ý giữ lại hàng hóa, tạo khan hiếm ảo, tung tin đồn để đẩy giá tăng nhanh, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán và những ngày đầu năm mới.

Vì vậy, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, để có giải pháp cụ thể bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng được nhu cầu. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án dự trữ, khai thác và cung ứng hàng hóa ra thị trường. Tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới lưu thông để bảo đảm nguồn hàng, giá ổn định. Các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện chương trình bình ổn giá của thành phố phải bảo đảm dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa đã đăng ký, bảo đảm ổn định giá theo giá đã đăng ký với Sở Tài chính, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thành phố cũng nên xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép xe chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24 giờ hằng ngày ở khu vực nội thành để kịp thời vận chuyển hàng hóa. Chi cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm này, kịp thời phát hiện các vi phạm về niêm yết giá, tung tin đồn thất thiệt và xử lý nghiêm theo quy định. Quan trọng hơn, người tiêu dùng, không nên vội vàng đổ xô đi mua sắm một loại hàng hóa nào đó để kẻ xấu có cơ hội tăng giá, thu lời bất chính, gây biến động xấu cho thị trường.