Báo động tình trạng mất an toàn lao động

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Tối 18-10, cần cẩu tháp đang thi công công trình tổ hợp tòa nhà cao tầng trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) bất ngờ bị đổ, đè lên nhà dân khiến nhiều người hoảng sợ. Chỉ trước đó một ngày, chiều 17-10, tại đường Lê Đức Thọ (quận Bắc Từ Liêm), một xe ô-tô đang lưu thông trên đường đã bị một đoạn gỗ có gắn đinh nhọn từ công trình xây dựng gần đó rơi trúng, làm thủng nóc xe. Chiều 16-10, tại công trường thi công khu vực nhà ga Văn Quán thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một công nhân bị chết do rơi từ trên cao xuống mặt đường. Ngày 13-10, tại công

Theo thống kê trong sáu tháng đầu năm nay, Hà Nội nằm trong nhóm mười địa phương có nhiều vụ tai nạn lao động chết người. Trên địa bàn xảy ra 98 vụ tai nạn lao động, làm 27 người chết, chín người bị thương nặng. Chưa kể những vụ tai nạn lao động gây thương vong, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu, nạn nhân, người nhà nạn nhân thỏa thuận bồi thường, không khai báo, cơ quan chức năng không biết. Từ ngày 5-5 đến 2-6, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra 16 nhà thầu đang thi công các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội, phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó có năm tổng công ty, công ty xây dựng thuộc diện doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, chưa có đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn thi công tại các công trình xây dựng, chưa đậy kín các giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng thi công, chưa lập rào chắn, đặt biển báo bảo vệ những vùng nguy hiểm, vật liệu, dụng cụ, thiết bị có thể rơi tự do từ trên cao xuống. Đoàn thanh tra kết luận, 42,7% số vụ tai nạn lao động gây chết người do trách nhiệm của người sử dụng lao động, 23% do lỗi của người lao động.

Tai nạn lao động thường để lại những hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Do đó, việc bảo đảm an toàn lao động phải được coi là yếu tố hàng đầu khi tiến hành tổ chức lao động, sản xuất, thi công xây dựng. Những tháng cuối năm là thời gian các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng, cùng với đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng, gấp rút hoàn thành kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó đòi hỏi các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo quy định của pháp luật. Không được chủ quan, lơ là, coi nhẹ các biện pháp, điều kiện, quy trình, quy phạm bảo đảm an toàn lao động. Không vì tiết kiệm chi phí mà thiếu đầu tư các thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo hộ, tổ chức đào tạo, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng an toàn. Không vì tiến độ mà để mất an toàn lao động... Đồng thời, các ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm.