Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Tuần qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại các khu vực đông dân cư khiến không ít người lo ngại. 

Ngày 20-11, một căn hộ ở tầng 29 tòa nhà chung cư Goldmark City ở 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm xảy ra cháy lớn, khiến hàng trăm người dân phải tháo chạy. Ngay hôm sau, một cửa hàng kinh doanh nội thất ở 279 đường Hữu Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông cũng cháy rụi, nguy cơ cháy lan sang các khu vực bên cạnh. Dù may mắn không gây thiệt hại về người, song tại cả hai đám cháy, lực lượng chức năng đều gặp không ít khó khăn khi triển khai công tác chữa cháy, cứu hộ. Trước đó, ngày 27-10, tại tầng 33, chung cư HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng bất ngờ xảy ra hỏa hoạn khiến hàng nghìn cư dân sinh sống tại tòa nhà náo loạn. Hay vụ cháy ngày 25-10, tại tầng hầm chung cư 10B Đại Thanh, huyện Thanh Trì cũng khiến nhiều người dân lo sợ.

Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP Hà Nội, trong tám tháng của năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 268 vụ cháy (trong đó có năm vụ cháy lớn, ba vụ cháy nghiêm trọng, 11 vụ cháy rừng,...) và một vụ nổ khiến sáu người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất với nguyên nhân chính là chập điện. Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC tại 36.377 cơ sở. Qua đó, phát hiện, ra quyết định xử phạt 2.123 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 12,1 tỷ đồng; tạm đình chỉ 235 cơ sở, đình chỉ 171 cơ sở; đã ban hành 3.498 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.

Những năm gần đây, số lượng các chung cư cao tầng tại Hà Nội được xây dựng ngày một nhiều, trong khi công tác PCCC tại khu vực này dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản về bảo đảm an ninh trật tự, PCCC và giải quyết các hạn chế trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và CNCH đối với loại hình nhà chung cư, nhà cao tầng; phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn, huấn luyện PCCC. Thành phố yêu cầu xây dựng phương án PCCC đối với các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu. Đồng thời  yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư vi phạm.

Với địa bàn đông dân cư như Thủ đô Hà Nội, tình hình cháy nổ đang có những diễn biến phức tạp. Để có thể chủ động phòng, chống “giặc lửa”, tại các chung cư, chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH của các cơ quan chức năng. Trong mỗi gia đình, người dân cần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác PCCC theo phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”, quản lý tốt nguồn lửa, nguồn điện, nguồn nhiệt, để bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi người, tránh xảy ra cháy gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.