Bảo đảm an toàn lao động tại các công trường xây dựng

Một vụ tai nạn lao động thương tâm mới xảy ra vào 18 giờ chiều 27-9 trên đường Lê Văn Lương. Vào thời điểm nêu trên, khi người và phương tiện đang lưu thông, bất ngờ một khung sắt từ công trình Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, quy mô cao 16 tầng và hai tầng hầm, nằm tại lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân rơi xuống làm một người đang đi xe máy chết tại chỗ, một người khác bị thương. Nguyên nhân là do đơn vị thi công lắp kính mặt ngoài tầng 7 công trình đã làm rơi khung sắt xuống.

Sau khi xảy ra sự việc, chiều 28-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Đây là việc làm rất cần thiết, kịp thời của lực lượng chức năng để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, trách nhiệm của các bên liên quan và bảo đảm không để tái diễn tình trạng tương tự. Trước đó, tại công trình này đã từng xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn và bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Không chỉ riêng tại công trình này, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng tại các công trình xây dựng. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra vào ngày 8-9, tại ngôi nhà đang xây dựng thuộc cụm 8, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, ba thợ xây đang làm việc thì giàn giáo sập khiến hai người chết, một người bị thương. Ngày 7-5, giàn cẩu đang thi công tại nhà số 3, ngõ 178 Thái Hà, quận Đống Đa bất ngờ rơi xuống đất, làm hai người bị thương nặng. Trước đó, khoảng 2 giờ sáng 17-1, giàn giáo tại công trình xây dựng ở đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm bị đổ sập khi công trình đang đổ bê-tông làm ba người chết…

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng là do chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng không thực hiện đúng quy định bảo đảm an toàn lao động, các trang thiết bị thi công không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, còn người lao động thì khá chủ quan. Theo quy định, trước khi thi công, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải lập kế hoạch an toàn lao động; tổ chức các biện pháp thi công bảo đảm an toàn. Trong quá trình thi công, các nhà thầu phải có bộ phận quản lý an toàn để hướng dẫn người lao động nhận biết yếu tố nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn và biện pháp phòng tránh… Vì thế, để bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng, lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định an toàn lao động. Kiên quyết xử lý chủ đầu tư, nhà thầu cố tình vi phạm, thậm chí đề xuất đình chỉ thi công công trình cho đến khi hoàn thành khắc phục điều kiện bảo đảm an toàn lao động.