Ðẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử

Tính đến ngày 31-12-2018, Hà Nội có 1.055 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% số dịch vụ công. Trong đó có 916 DVCTT mức độ 3 và 139 DVCTT mức độ 4. Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử cũng được thực hiện nghiêm túc. Ðến nay, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của thành phố đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp. Thành phố có hơn 11 nghìn tài khoản, tiếp nhận hơn 311 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính, riêng cấp xã đã tiếp nhận hơn 279 nghìn hồ sơ, không chỉ cho thấy tính hiệu quả của hệ thống, mà qua đó phản ánh thực tế người dân đã làm quen nhiều hơn với việc thực hiện các giao dịch hành chính thông qua môi trường mạng.

Trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2019, TP Hà Nội đã kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh. Ngày 14-2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tại đơn vị, do người đứng đầu làm trưởng ban. Theo ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội, năm 2019 thành phố đặt mục tiêu tất cả UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với UBND thành phố. Phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định; 80% số thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tập trung đầu tư phát triển từ một đến hai khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm. Bên cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm Ðiều hành thành phố thông minh cũng sẽ được triển khai với tám trung tâm chức năng. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai các thông tin liên quan đến giao thông, du lịch và y tế.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung nhấn mạnh: Năm 2019, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Ðồng chí yêu cầu nâng mục tiêu 80% dịch vụ công sẽ được thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong năm 2019 lên 100% (trong đó 35% phải thực hiện mức độ 4). Ðáng chú ý, đồng chí Nguyễn Ðức Chung chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lắp đặt các ki-ốt để phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công, là nơi tuyên truyền các chính sách công và các tiện ích khác. Trước mắt, trong quý I-2019, triển khai lắp đặt tại các chung cư cao từ 17 tầng trở lên. Ðồng thời yêu cầu trong năm nay, các đơn vị của thành phố phải hoàn thành số hóa xong cơ sở dữ liệu. Ðến ngày 30-6, tất cả các xã, phường, thị trấn phải hoàn thành lắp đặt thiết bị để phục vụ họp trực tuyến...

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh là xu hướng của nhiều thành phố lớn trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này. Ngoài sự quyết tâm, triển khai bài bản, hiệu quả của chính quyền, rất cần sự đồng hành của người dân để mô hình chính quyền điện tử của thành phố sớm thành hiện thực.