Ðẩy mạnh việc cưới văn minh, tiết kiệm

Hơn 5 năm trước, ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Thành ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, không mời khách dự tiệc quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người), không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. không tổ chức cưới ở địa điểm quá sang trọng, tốn kém... Sau hơn 5 năm triển khai Chỉ thị của Thành ủy, đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô trong thực hiện việc cưới. Tình trạng đám cưới tổ chức ăn uốn

Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, mô hình sáng tạo trong tổ chức việc cưới, bảo đảm tiêu chí vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, được dư luận đồng tình, hưởng ứng. Thành Ðoàn Hà Nội phối hợp các quận: Ba Ðình, Hoàng Mai, Long Biên, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa... tổ chức đám cưới tập thể trang trọng, vui tươi, ý nghĩa cho các cặp đôi trẻ, kết hợp kỷ niệm đám cưới vàng cho các cụ ông, cụ bà có hơn 50 năm chung sống. Huyện Ba Vì triển khai hiệu quả mô hình cưới tiết kiệm ở xã Tòng Bạt, cưới theo nếp sống mới ở xã Quang Minh; mô hình tiệc ngọt kết hợp với báo hỷ sau cưới ở xã Phong Vân... Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm cùng Công đoàn Công ty LADODA tổ chức đám cưới tập thể cho cán bộ, công nhân viên của công ty. Các cặp đôi tham gia đám cưới tập thể được doanh nghiệp hỗ trợ 100% kinh phí, địa điểm tổ chức... Huyện Ðoàn Gia Lâm vận động các hộ dân và các bạn trẻ tổ chức các đám cưới theo mô hình "5 không" (không mời thuốc, không uống rượu say, không đánh bạc ăn tiền, không gây mất trật tự công cộng, không mở loa đài to từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau)…

Tuy nhiên, sức lan tỏa của những mô hình nêu trên còn hạn chế. Thời gian gần đây, ở một số địa phương tái diễn tình trạng tổ chức đám cưới ăn uống linh đình hàng trăm mâm cỗ, kéo dài trong vài ba ngày, gây phản cảm trong xã hội. Không ít đám cưới của bản thân cán bộ, đảng viên hoặc con, em các đối tượng này được tổ chức tại các khách sạn sang trọng, với chi phí tốn kém… Trước thực trạng này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1349/UBND-KGVX đề nghị Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội. Thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị cần gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, dòng tộc, mọi người trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư cùng thực hiện. Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị đưa việc thực hiện cưới văn minh làm tiêu chí bình xét danh hiệu "Gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa", nhằm nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh.

Việc thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc cưới tiết kiệm, văn minh là chủ trương đúng đắn. Nhưng ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của các cấp ủy, của chính quyền các cấp đối với cán bộ, đảng viên về chấp hành thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Có như vậy, chủ trương mới thật sự đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn.