Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám góp phần vinh danh văn hiến Việt Nam

Khi các Vua nhà Lý lập miếu Văn, mở trường đào tạo nhân tài từ thế kỷ 11, tư tưởng trọng người hiền tài, trọng học vấn, trọng lễ nghĩa đã được vun đắp và trở thành tư tưởng xuyên suốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của các triều vua Việt Nam. Tư tưởng ấy được tổng kết qua lời Tiến sĩ Thân Nhân Trung, khi phụng mệnh Vua Lê Thánh Tông soạn bài ký khởi đầu cho việc dựng bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp..." (tấm bia dựng năm 1484, ghi lại khoa thi năm 1442). Cũng từ thời Vua Lê Thánh Tông, những triều đại phong kiến sau này đều lập bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ghi lại mục đích, cách thức tiến hành... mỗi khoa thi do triều đình tổ chức; đồng thời ghi danh những người đỗ đạt. 82 tấm bia đã được dựng lên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long trong suốt 300 năm sau đó.

Dù thời cuộc có những biến loạn, nhưng nhìn chung các thời đại đều rất quan tâm việc thi cử, học hành, đến đào tạo nhân tài. Tấm bia cuối cùng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng năm 1780, ghi lại khoa thi năm 1779. Nhà Nguyễn nối tiếp truyền thống tốt đẹp này bằng việc dựng văn bia tại Huế khi chuyển kinh đô về đây. Những lời văn trên bia đều do những học giả văn hay chữ tốt vâng mệnh vua phụng soạn. Mỗi tấm bia đều được tạo tác bởi những nghệ nhân tài khéo đương thời. Bởi thế, qua những tấm bia, có thể hình dung được lịch sử các khoa thi, rộng hơn là lịch sử nền giáo dục Việt Nam; sự biến đổi tư tưởng, về văn phong qua từng thời kỳ... Ngày nay nhìn lại, chỉ xét những thay đổi về phương thức tạo tác bia, những nhà mỹ thuật hình dung được sự thay đổi về phong cách mỹ thuật của người Việt diễn ra suốt trong 300 năm. Bởi lẽ, những họa tiết hoa văn trang trí trên bia đều là điển hình của nghệ thuật trang trí qua mỗi thời. Từ lâu, các nhà khoa học đã công nhận văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là pho sử đá về giáo dục, văn học, mỹ thuật, triết học... Các triều đại phong kiến đã qua đi nhưng giá trị của 82 tấm bia còn mãi.

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng được hầu hết các tiêu chí của Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng. Trong đó, nổi bật hơn cả là tính độc đáo không thể thay thế, sự quý hiếm và ý nghĩa quốc tế của những di sản này. Bia tiến sĩ Việt Nam không phải là những dòng văn khô cứng, mà "văn dĩ tải đạo". Mỗi tấm bia đều xác định rõ trách nhiệm của những người trí thức đối với đất nước, đó là giữ vững đạo nghĩa, đem tài năng phục vụ đất nước và đào tạo đội ngũ nhân tài tương lai cho đất nước. Văn bia tại đây thể hiện rõ nét quá trình tiếp nhận Nho giáo của Trung Hoa, để rồi biến đổi phù hợp với điều kiện Việt Nam của cha ông ta. Lâu nay, bạn bè quốc tế khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Việc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới cho bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự khẳng định chính thức giá trị những di sản này ở tầm quốc tế. Ngoài giá trị về văn học, mỹ thuật..., có thể coi đây còn là sự ghi nhận của quốc tế về tư tưởng nhân văn của người Việt truyền tải qua những thông điệp bằng đá.

Giá trị di sản của văn bia được thế giới công nhận là điều rất vinh dự đối với Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Nhưng "trăm năm bia đá cũng mòn". Không ít tấm bia đã bị bào mòn bởi mưa nắng, bởi bàn tay con người, đặc biệt trong thời gian gần đây, khi phong trào "sờ đầu rùa" ở bia đá để cầu may ngày một thịnh hành (bia gồm hai phần, thân bia và đế bia, đế được tạo hình rùa - tượng trưng cho sự vững bền) . Mùa thi đại học năm 2009, Ban Quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bố trí cả lực lượng sinh viên tình nguyện ngăn chặn nạn sờ đầu rùa nhưng không xuể. Mặc dù dư luận phản đối khá nhiều, nhưng ngay trong những ngày đầu năm mới Canh Dần, nhiều du khách thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn làm ngơ trước những quy định của các cơ quan bảo vệ di sản văn hóa, mặc nhiên xoa đầu rùa. Thậm chí, đầu năm nay, Ban Quản lý di tích còn dựng hàng rào tạm để bảo vệ những tấm bia, vậy mà hàng rào vẫn bị xô đổ. Bảo vệ bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã là vấn đề cấp bách. Sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu để một di sản giờ đây đã là của thế giới bị xâm phạm. Hồ sơ đề nghị công nhận Di sản tư liệu thế giới cho bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi rõ: Nếu một hoặc một số tấm bia hư hỏng hoặc bị mất, nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo không thể khôi phục được. Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu của thế giới, nhưng người Việt Nam mới là những chủ sở hữu đích thực. Nếu bia đá bị tổn hại, chính chúng ta sẽ bị thiệt thòi nhất, bởi bia đá còn mang thông điệp đầy nhân văn của cha ông với con cháu mai sau.

GIANG NAM