Kiên quyết thu hồi các dự án “ôm” đất

383 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang làm lãng phí nguồn tài nguyên đất, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Để chấn chỉnh tình hình này, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực triển khai thực hiện.
Dự án khu đô thị mới Cầu Bươu có diện tích gần 20 ha tại huyện Thanh Trì chỉ có một tòa nhà và vài biệt thự được xây dựng nhưng bỏ hoang. Ảnh: TRẦN KHÁNG
Dự án khu đô thị mới Cầu Bươu có diện tích gần 20 ha tại huyện Thanh Trì chỉ có một tòa nhà và vài biệt thự được xây dựng nhưng bỏ hoang. Ảnh: TRẦN KHÁNG

Tình trạng các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội. Các địa phương có nhiều dự án chậm triển khai gồm huyện Hoài Đức (51 dự án), huyện Mê Linh (50 dự án), quận Nam Từ Liêm (48 dự án), quận Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Trong đó, có tới 76 dự án chậm triển khai từ 5 năm đến hơn 10 năm; 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 5.500 tỷ đồng. Điển hình như Dự án khu đô thị mới Cầu Bươu có diện tích gần 20 ha tại huyện Thanh Trì đã được thành phố giao đất từ năm 2007 cho chủ đầu tư là Công ty CP kinh doanh phát triển nhà và đô thị, nhưng 11 năm qua mới chỉ có một tòa nhà cùng vài ngôi biệt thự được xây dựng, rồi bỏ hoang. Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê có diện tích hơn 2.000 m2 tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, do Công ty CP xây dựng Sông Hồng làm chủ đầu tư 8 năm qua vẫn không được triển khai. Tương tự, hơn 12.000 m2 đất “vàng” trong Khu phức hợp Giảng Võ do Công ty TNHH Pacific Thăng Long làm chủ đầu tư, 10 năm nay biến thành bãi trông giữ xe. Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt có quy mô hơn 35 ha ở quận Hoàng Mai được giao đất từ năm 2004, cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng hạ tầng Licogi, 14 năm qua, vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Dự án khu đô thị mới AIC tại hai xã Mê Linh và Tiền Phong của huyện Mê Linh do Công ty Bất động sản AIC làm chủ đầu tư có quyết định giao đất từ năm 2008, diện tích lên tới hơn 94 ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 80%, đầu tư thi công một số hạ tầng kỹ thuật, nhưng bị bỏ không làm bãi chăn thả bò nhiều năm, gây lãng phí lớn.

Tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai do Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến 383 dự án chậm triển khai và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai là do các cơ quan quản lý nhà nước từ sở, ngành đến quận, huyện còn nể nang, né tránh; chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho UBND thành phố về quản lý, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để tăng cường công tác quản lý đối với các dự án, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân tích, đánh giá với từng nhóm dự án để có giải pháp cụ thể. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu xây dựng rõ quy trình xử lý, nội dung công việc gắn trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp trong quá trình theo dõi dự án. Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thiện việc xây dựng phần mềm, kho dữ liệu để theo dõi tổng thể, xuyên suốt từng dự án. Thừa nhận công tác quản lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách còn nhiều bất cập, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở sẽ kiến nghị không gia hạn đối với các dự án đã chậm triển khai từ 5 năm đến 10 năm, trừ một số lý do bất khả kháng.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Nguyên nhân đầu tiên khiến các dự án chậm triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu; quá trình triển khai các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhà đầu tư "hụt hơi". Cùng với đó là những thay đổi chính sách trong quản lý đất đai, khâu giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của điều chỉnh quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhất là sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện. Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra thành phố kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện; tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ. Sắp tới, thành phố sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi. Để có danh sách này, thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư thật sự không thể tiếp tục triển khai. Quan điểm của thành phố là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện.