kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội

Xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô

LTS - Ngày 1-8-2018, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan". Ðây là lần mở rộng có quy mô lớn nhất trong lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô. Từ ngày 3-7, Trang Hà Nội (Báo Nhân Dân) khởi đăng các bài viết phản ánh những thành tựu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đạt được trong 10 năm qua, cũng như những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Một giờ lên lớp của học viên lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Thái Hiền
Một giờ lên lớp của học viên lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Thái Hiền

Nhận thức công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố, 10 năm qua, Ðảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhờ đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thủ đô đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bài 1: Thành công từ đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Bộ máy "nhân đôi", trình độ không đồng đều, làm thế nào để bộ máy đó vận hành trơn tru, phát huy hiệu quả là vấn đề hóc búa đặt ra khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Tuy nhiên, bằng cách làm chủ động, bài bản, sáng tạo, Hà Nội không chỉ đưa ra lời giải, mà còn thực hiện tốt công tác cán bộ, để cụ thể hóa hiệu quả chủ trương đúng đắn này. 

Ðoàn kết, đồng thuận cao

Là người trực tiếp tham gia thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29-5-2008 của Quốc hội (Nghị quyết số 15 của Quốc hội) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho biết, thời điểm sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy cấp thành phố tăng cao. Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội tăng từ 57.000 lên 102.700 biên chế. Sau khi sáp nhập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thời điểm đó) có đến 13 phó giám đốc, còn "phổ biến" là mỗi sở có từ sáu đến tám phó giám đốc. Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố tăng lên 99 ủy viên; Ban Thường vụ Thành ủy có 23 đồng chí. Với số lượng cán bộ đông như vậy, để bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo thật sự là thử thách lớn.

Càng khó khăn hơn khi đội ngũ cán bộ không đồng đều từ chất lượng cho đến thói quen, tác phong công tác... Trong khi bộ máy của TP Hà Nội đã mang những đặc điểm của chính quyền đô thị, đảm đương các nhiệm vụ của địa bàn đô thị hóa ở mức độ cao, thì đội ngũ cán bộ của tỉnh Hà Tây (cũ) lại tập trung quản lý trên địa bàn mà sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, rất ít cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ cử nhân, thậm chí có ba cán bộ chủ chốt của huyện không có bằng cử nhân, còn phần lớn cán bộ sở, ngành chưa được đào tạo cao cấp và trung cấp chính trị.

Khó như vậy, nhưng bằng cách làm chủ động, bài bản, nhất là hoàn toàn công tâm, khách quan, công tác cán bộ đã được thực hiện tốt, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Ðó là việc bố trí cán bộ phù hợp, hiệu quả. Vì việc chung, nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt, từ Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy đến Ban Thường vụ đã đồng thuận từ cấp "trưởng" xuống làm cấp "phó" để cấp dưới noi theo. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có số lượng lớn, nhất là cấp phó các sở, ban, ngành, lãnh đạo thành phố đã coi công tác luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá nhằm sắp xếp lại đội ngũ. Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, chỉ đạo ban hành quyết định hỗ trợ cán bộ thuộc diện luân chuyển, kèm theo một số chế độ khác như bố trí phòng công vụ, chi phí đi lại... Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, thành phố đã luân chuyển hơn 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm Bí thư, Phó Bí thư; giới thiệu để HÐND các địa phương bầu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và đã thật sự phát huy hiệu quả tại các địa phương. Kinh nghiệm quan trọng này đang tiếp tục được Thành ủy phát huy, với 229 cán bộ chủ chốt được luân chuyển trong 10 năm qua.

Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên"

Sau khi ổn định tổ chức bộ máy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hà Nội tập trung là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đến luân chuyển, bố trí để rèn luyện cán bộ. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo cho biết, năm 2008, Hà Nội chỉ có hơn 30% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, đến hết nhiệm kỳ 15, thành phố đã hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học... Trong 10 năm, thành phố đào tạo được 3.597 cán bộ tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, 19.824 cán bộ tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị, hoàn thành Ðề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn thành phố. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Thành ủy đã tổ chức hai lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hơn 200 cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Ðể bảo đảm "đầu ra" chất lượng, bên cạnh việc mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về giảng dạy, đích thân các đồng chí trong Thường trực Thành ủy còn giảng bài và làm Chủ tịch hội đồng để chấm điểm cho từng đề tài tốt nghiệp của các học viên.

Không chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, từ nay đến 2020, thành phố sẽ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ, nhiệm vụ cho 5.500 công chức chuyên môn và 2.700 công chức tiếp công dân, bộ phận "một cửa". Ngoài ra, 1.432 Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, thực thi công vụ, nhiệm vụ; 200 công chức, viên chức lãnh đạo Ban Quản lý dự án được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát triển dự án.

Công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm sự chủ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Ðề án 04-ÐA/TU ngày 20-9-2017 về "Ðổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý". Hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng từ 1,49 lên 1,98; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tăng từ 92,9% lên 93,3%; tuổi bình quân giảm từ 47,35 xuống 45,14.

Một giải pháp nữa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được Hà Nội thực hiện là đưa công tác đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, hiệu quả hơn. Sau khi triển khai tại một số địa phương, từ ngày 1-7-2018, thành phố tổ chức "đại trà" việc đánh giá cán bộ hằng tháng với thang điểm cụ thể, có tính định lượng cao, sát với tình hình từng cơ quan, đơn vị. Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định số 2898-QÐ/TU ngày 8-11-2017 về "Ðánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý" theo hướng lượng hóa công việc, lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo đánh giá chính và bước đầu tạo không khí dân chủ, công khai, giảm dần được bệnh thành tích, hình thức.

Những cách làm chủ động, bài bản, nhưng cũng hết sức sáng tạo nêu trên đã giúp cho Hà Nội có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, tạo nguồn lực quan trọng để xây dựng Thủ đô vững bước hơn trên con đường phát triển.