Hướng tới nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân

Ðổi mới lề lối làm việc, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của TP Hà Nội trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðây cũng là một điểm nhấn quan trọng được Thủ đô quyết tâm thực hiện trong thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan".

Máy tính phục vụ người dân tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại UBND phường Ðại Mỗ, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Ðăng Anh
Máy tính phục vụ người dân tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại UBND phường Ðại Mỗ, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Ðăng Anh

Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Ðể tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, một trong những việc thành phố triển khai đầu tiên khi mở rộng địa giới hành chính là tổ chức bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính từ cơ sở tới thành phố. Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả" và tinh thần "một việc - một đầu mối xuyên suốt", công tác CCHC tại Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực.

Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, đến nay tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, các sở, ngành của thành phố đều tổ chức bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Năm 2017, tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33% trong toàn thành phố. Trong đó, ở các sở, cơ quan tương đương sở là 99,98%, ở các UBND cấp huyện đạt 95%, UBND cấp xã đạt 97%. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, thành phố đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thành phố đã kiến nghị đơn giản hóa 1.292 thủ tục trong tổng số 1.816 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 71,2% (vượt hơn hai lần so chỉ tiêu đơn giản hóa ít nhất 30% thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ). Ðáng chú ý, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như: quy hoạch - kiến trúc, y tế, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục - đào tạo. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 52 ngày chỉ còn không quá 20 ngày với thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở; rút gọn giấy tờ từ chín loại còn bốn loại. Thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy từ 30 ngày còn nhiều nhất là 20 ngày; kết nối cấp điện từ 14 ngày còn nhiều nhất là 7 ngày; đấu nối cấp - thoát nước từ 14 ngày còn nhiều nhất là 7 ngày...

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, công tác CCHC của thành phố thời gian qua tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Kết quả CCHC của thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao với chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012; năm 2016 tăng 10 bậc và xếp thứ 14, năm 2017 xếp thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố, là vị trí cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 PCI của Hà Nội ở vị trí thứ 31, PCI của Hà Tây là thứ 55 trong 64 tỉnh, thành phố). Chỉ số CCHC xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố, tăng một bậc so năm 2016; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng ba bậc so năm 2016...

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung từng nhấn mạnh: Thành phố coi CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính "phục vụ". Thành phố phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020 lọt vào tốp 10 địa phương có chỉ số PCI đứng đầu cả nước.

Ðể đẩy nhanh tiến trình này, HÐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020", chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Với mức kinh phí thực hiện được điều chỉnh từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ðến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% công chức và viên chức để trao đổi, giải quyết công việc. Nổi bật là việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh. Hiện Hà Nội đã đưa vào hoạt động hơn 600 dịch vụ công trực tuyến. Năm 2018, thành phố đặt ra mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Với những nỗ lực trong triển khai, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt gần 100%; 70% người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến.

Dù đã đạt nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực CCHC, song trên thực tế công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, có lĩnh vực chưa thật sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. CCHC ở một số đơn vị chuyển biến chậm, cá biệt một số cán bộ, công chức còn thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, xử lý công việc gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Mới đây, việc Hà Nội tụt xuống đứng thứ 12 trong xếp hạng về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử; chỉ số đánh giá cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở vị trí 29, là lời cảnh báo để thành phố tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong lĩnh vực này.