Diện mạo mới của vùng nông thôn

Với sự quan tâm đặc biệt của thành phố trong công tác đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, sau mười năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, địa bàn nông thôn Hà Nội có đổi mới rõ rệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Sản phẩm cam đường của xã Kim An, huyện Thanh Oai được một số chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: THÁI HIỀN
Sản phẩm cam đường của xã Kim An, huyện Thanh Oai được một số chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: THÁI HIỀN

Xã Kim An, huyện Thanh Oai nằm trong vùng phân lũ sông Ðáy, hệ thống giao thông không thuận lợi và xuống cấp. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi ít được đầu tư, nâng cấp. Sản xuất nông nghiệp kém phát triển, người dân chủ yếu trồng ngô, khoai và rau màu, hiệu quả kinh tế thấp. Trên địa bàn không có chợ và các doanh nghiệp, dẫn đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Ðời sống vật chất, tinh thần của nông dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong thời gian dài, xã Kim An là địa phương khó khăn nhất của huyện Thanh Oai.

Ngay khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, Ðảng ủy xã Kim An đã bám sát các nội dung để triển khai sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân; chọn khâu đột phá là chuyển đổi diện tích trồng lúa và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao như cam đường, bưởi Diễn, ổi Ðài Loan để tận dụng lợi thế vùng đất bãi màu mỡ. Nhờ kỹ thuật canh tác tốt, đất đai phù hợp, các loại cây ăn quả phát triển tốt, trong đó nổi bật là cây cam đường, quả có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, vị ngọt đậm và đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, được một số chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Từ thành công này, đến nay xã Kim An đã chuyển đổi hơn 130 ha trong tổng số hơn 200 ha đất trồng rau màu sang trồng cây ăn quả và rau an toàn. Giá trị thu nhập cây ăn quả đạt từ 700 đến 800 triệu đồng/ha. Bí thư Ðảng ủy xã Kim An Trần Văn Phấn vui mừng cho biết, qua hơn sáu năm thực hiện Chương trình 02, đời sống người dân có thay đổi lớn. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,6%. Hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, thủy lợi được đầu tư, nâng cấp. Năm 2017, Kim An đã về đích NTM. Ðáng mừng nhất là người dân rất phấn khởi và hài lòng về kết quả xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, người dân đã tự nguyện ủng hộ hơn 18,5 tỷ đồng, đóng góp hơn 5.000 ngày công và hiến hơn 4.000 m2 đất thổ cư, hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ðại Thành, xã Ðại Thành, huyện Quốc Oai Ðinh Văn Phích chia sẻ, sau khi chuyển đổi hơn gần 130 ha đất sang trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đầu tư đúng hướng, năng suất, chất lượng nông sản ngày càng tăng cao. Cùng với đó, xã đã triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, về đích xã NTM. Ðời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ngân sách đầu tư cho các huyện ngoại thành được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Tổng mức hỗ trợ giai đoạn 2008 - 2018 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng đối với 14 huyện, thị xã của Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh là hơn 13 nghìn tỷ đồng. Thành phố tập trung huy động vốn trong và ngoài ngân sách đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, với tổng nguồn vốn đã huy động gần 43 nghìn 420 tỷ đồng. Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM đạt kết quả rõ rệt. Ðến nay, có bốn huyện, gồm Ðan Phượng, Ðông Anh, Thanh Trì và Hoài Ðức được công nhận đạt chuẩn huyện NTM; 294 trong tổng số 386 xã đạt chuẩn NTM; trong số 92 xã còn lại, có 61 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 31 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Ðời sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp gần ba lần so với năm 2008. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Hà Nội đã lựa chọn công việc khó, nhưng cần thiết để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân là dồn điền đổi thửa, kết hợp quy hoạch lại các vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Ðây là cơ sở để tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất, phát huy lợi thế nền nông nghiệp ven đô, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng; phát triển nông nghiệp sinh thái, kết hợp du lịch, tạo vành đai xanh cho Thủ đô. Thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng nông thôn, gắn xây dựng NTM với định hướng phát triển đô thị. Các địa phương tiếp tục hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 80% xã đạt chuẩn NTM, mười huyện, thị xã đạt huyện NTM. Các huyện, xã đã về đích NTM nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.