Điểm sáng về chương trình nhà ở xã hội

Với chủ trương cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, hộ nghèo, cán bộ, công chức, người lao động của thành phố, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển loại hình nhà ở xã hội, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình nhà ở này.

Khu nhà ở xã hội EcoHome tại quận Bắc Từ Liêm.
Khu nhà ở xã hội EcoHome tại quận Bắc Từ Liêm.

Chiều chiều, sau giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Sáu, quê ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lại phấn khởi trở về căn hộ tại Khu nhà ở xã hội EcoHome 2, Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm) có không gian rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh. Chị Sáu rất yên tâm khi hai con trai hằng ngày được thoải mái vui chơi, bơi lội tại bể bơi nằm trong khuôn viên khu nhà. Theo chị Sáu, để có được điều này, chủ đầu tư đã dành hơn 10 nghìn m2, trong tổng số gần 16 nghìn m2 đất dự án để đầu tư xây dựng các hạng mục cảnh quan sân vườn, bể bơi, đường dạo nội bộ, khu tập luyện thể dục thể thao…, để phục vụ cư dân.

Còn với anh Nguyễn Văn Thành, sống tại khu nhà thu nhập thấp Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, ngôi nhà không chỉ là tổ ấm của vợ chồng anh mà còn là khoản đầu tư rất hiệu quả. Anh Thành chia sẻ, năm 2012, gia đình anh ký hợp đồng mua căn hộ tại đây, với diện tích 52 m2, giá bán 13,2 triệu đồng/m2, tổng số tiền gần 690 triệu đồng. Sau 5 năm sử dụng, ngay khi vợ chồng anh vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được quyền chuyển nhượng căn hộ, có rất nhiều người đến hỏi mua lại căn hộ với mức giá từ 18 đến 18,5 triệu đồng/m2. Mặc dù có thể kiếm được một khoản chênh lệch kha khá, nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định giữ lại căn hộ để sử dụng lâu dài.

Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều dự án nhà ở như Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Việt Hưng, Sài Đồng (quận Long Biên), Ngô Thì Nhậm, Kiến Hưng (quận Hà Đông)…, góp phần giải quyết chỗ ở cho hàng chục nghìn gia đình. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang triển khai 34 dự án nhà ở xã hội, trong đó có chín dự án đang tổ chức bán, cho thuê, 25 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020 với số lượng gần 27 nghìn căn hộ. Trong số chín dự án đang mở bán, cho thuê nhà ở xã hội, một số dự án còn nhiều căn hộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, như tại khu nhà ở Phú Lãm (quận Hà Đông) còn gần 680 căn hộ, dự án Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) gần 200 căn hộ, nhà 19T1 Kiến Hưng (quận Hà Đông) gần 280 căn, khu nhà ở Thạch Bàn (quận Long Biên) còn 250 căn hộ, khu tái định cư Đông Hội (huyện Đông Anh) hơn 360 căn hộ…

Tính đến hết năm 2017, thành phố đã xây dựng mới được gần 61 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình nhà ở này. Mục tiêu đến năm 2020 thành phố sẽ phát triển mới hơn 6 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, để chủ động phát triển nhà ở xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch của thành phố đã được duyệt, Hà Nội cần hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và mới đây, Thành ủy Hà Nội đã thông qua việc xây dựng năm khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, Đại Mạch (huyện Đông Anh), xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và huyện Thường Tín. Thành phố đã giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với yêu cầu các khu nhà ở xã hội phải gần hệ thống giao thông công cộng, tạo ra các khu đô thị văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng rà soát, khắc phục các bất cập trong quy định về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng.

Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của TP Hà Nội. Để chủ trương này sớm thành hiện thực, đáp ứng nguyện vọng cải thiện chỗ ở của đông đảo người dân đang có nhu cầu nhà ở xã hội, UBND thành phố cần tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất, nguồn vốn đối với doanh nghiệp đầu tư dự án và người mua, thuê mua căn hộ. Xem xét cho phép đấu giá quỹ đất 20% dành phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt, đồng thời dành một phần nhỏ quỹ đất tại các khu dự kiến xây dựng nhà ở xã hội tập trung hoặc liền kề dự án để xây dựng nhà ở thương mại, bổ sung nguồn vốn phát triển các dự án nhà ở xã hội. Thành phố cần tăng cường công khai, minh bạch tiêu chuẩn các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp mua nhà, nếu phát hiện vi phạm cần kiên quyết thu hồi căn hộ để bán cho người khác.