Sân khấu cải lương sôi động trở lại

Tháng 7 vừa qua được xem là tháng của cải lương khi hàng loạt chương trình được khởi động, ra mắt khán giả thành phố. Dù mỗi chương trình mang mầu sắc khác nhau nhưng tất cả đều mang đến cho người xem những cảm xúc khó phai về vẻ đẹp và sức sống của một môn nghệ thuật đã đồng hành cùng dân tộc hơn một thế kỷ qua.

Các diễn viên trong vở tuồng Câu thơ yên ngựa.
Các diễn viên trong vở tuồng Câu thơ yên ngựa.

Không phải là một vở diễn mới, chương trình Trăm năm nguồn cội vừa ra mắt khán giả vào những ngày đầu tháng 7 đã giới thiệu đến người hâm mộ những cột mốc chính trong quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương. Trong 100 phút của chương trình, khán giả thưởng thức lại những tinh hoa trong giai đoạn đầu hình thành của loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất phương Nam. Bản ca ra bộ đầu tiên “Bùi Kiệm - Nguyệt Nga” (tác giả Trương Duy Toản) được coi là tiền thân của cải lương sau này. Trên sâu khấu, nhóm đờn ca tài tử của nghệ sĩ Minh Đức đã tái hiện cách hát ca ra bộ của những nghệ nhân xưa. Các nghệ nhân ban đầu ngồi đờn hát trên bộ ván, về sau chuyển thành vừa đứng vừa hát diễn tả vài động tác, điệu bộ cho nên gọi là lối ca ra bộ. Với nhiều khán giả trẻ, đây là lần đầu họ được tiếp cận lối ca này. Bạn Nguyễn Thanh Tùng ở quận 8 chia sẻ, dù biết đến từ lâu, nhưng hôm nay anh mới được xem biểu diễn ca ra bộ trên sân khấu, qua đó, hiểu hơn về con đường hình thành của bộ môn nghệ thuật cải lương.

Tiếp nối dòng chảy 100 năm đó, bản Dạ cổ hoài lang của tác giả Cao Văn Lầu được giới thiệu một cách trang trọng trên sân khấu Trăm năm nguồn cội. Từ bản nhạc cổ này, qua sự “biến hóa thiên hình vạn trạng”, các nghệ sĩ đã cho ra đời bản vọng cổ đầu tiên. Và từ những dấu ấn trong giai đoạn “tiền cải lương” đó, khán giả được thưởng thức lại các trích đoạn cải lương, những bài ca cổ đã trở thành “kinh điển”, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng giới mộ điệu qua nhiều thế hệ như: Hàn Mặc Tử, Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa (lớp Xử án Thượng Dương)…

Trước đó, vào tháng 6, sân khấu Đại Việt, gương mặt mới trong nghệ thuật cải lương đã trình làng khán giả thành phố bằng tác phẩm Chuyện tình Khâu Vai được dàn dựng hoành tráng, công phu. Chuyện tình Khâu Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; đạo diễn: Triệu Trung Kiên) kể về mối tình đẹp nhưng đượm buồn của chàng Ba - chàng trai người Nùng nghèo khó nhưng tốt bụng với nàng Út, con gái của Tộc trưởng người Giáy quyền quý. Sự khắt khe của luật tục đã khiến hai người phải chọn cái chết để mãi ở bên nhau. Và từ chuyện tình cảm động đó, đã dẫn đến sự ra đời của chợ tình Khâu Vai, một phong tục độc đáo của người vùng cao, nơi những người yêu nhau không thể nên duyên chồng vợ được gặp lại để chia sẻ nỗi lòng. Sự đầu tư nghiêm túc từ trang phục, cảnh trí, đến sự đồng đều của dàn diễn viên tên tuổi của cả hai miền nam, bắc đã tạo nên một tác phẩm gây “thương nhớ” cho nhiều khán giả. Có thể nói, Chuyện tình Khâu Vai đã mang đến một không gian miền núi Tây Bắc giữa lòng thành phố, một hương vị lạ cho những người yêu thích cải lương trong những ngày vừa qua. Sau ba suất diễn vào tháng 6, vở cải lương đã ra Hà Nội phục vụ khán giả phía bắc và trong hai ngày 25 và 26-7 mới đây, Chuyện tình Khâu Vai đã tái ngộ khán giả thành phố.

Không chỉ hai sự kiện cải lương nêu trên, trong tháng 7, nhiều vở diễn, dự án cải lương được khán giả chờ đợi đã ra mắt. Diễn viên Gia Bảo sẽ đầu tư dựng vở Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo) và công diễn vào tháng 8 với sự tham gia của hai nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - Chí Tâm. Đoàn cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long khai trương vở mới Tân anh hùng náo tại Nhà hát thành phố. Sân khấu cải lương Chí Linh - Vân Hà cũng khai trương kịch bản mới ngày 28-7 với tác phẩm Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuần Dương. Trong khi đó, chương trình Trăm năm nguồn cội tiếp tục diễn ra vào tháng 8 hứa hẹn nhiều nét mới từ khách mời của chương trình.

Sự ra mắt hàng loạt chương trình cải lương, những tác phẩm mới cho thấy lòng yêu nghề và quyết tâm của những nghệ sĩ, người yêu cải lương đang dốc sức vực dậy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, để nó tiếp tục “sống” trong lòng khán giả hôm nay. Và qua những chương trình, vở diễn vừa qua, với cách làm năng động cùng sự nghiêm túc trong nghề của những người đang “giữ lửa”, chúng ta tin rằng khán giả sẽ tiếp tục đồng hành với môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc vừa đi qua cột mốc trăm năm hình thành và phát triển.