Quản lý chặt chẽ nông sản, thực phẩm ở chợ đầu mối

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo hướng "từ gốc, tận nguồn", nhất là với nông sản, thực phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt; siết chặt công tác quản lý hàng hóa tại các chợ đầu mối để hạn chế thấp nhất lượng hàng kém chất lượng cung cấp ra thị trường. Người nội trợ luôn quan tâm đến chất lượng thực phẩm.

 Người nội trợ luôn quan tâm đến chất lượng thực phẩm.
Người nội trợ luôn quan tâm đến chất lượng thực phẩm.

Theo kế hoạch của Sở Công thương, đến năm 2020, thành phố phấn đấu có hơn 80% diện tích rau, củ, quả và hơn 60% sản lượng chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn được sản xuất theo đúng quy chuẩn an toàn, không dịch bệnh. Với mục tiêu đó, Sở Công thương và các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nhiều mô hình, dự án, trong đó có mô hình thí điểm xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, lấy chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn làm điểm. Theo ghi nhận, qua gần một năm thí điểm, mô hình này bước đầu có những chuyển biến rõ nét. Tại các chợ đầu mối, tiểu thương cũng đặt hàng nhà vườn, cơ sở chăn nuôi áp dụng những bước sản xuất nông sản sạch, như: Không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không dùng thuốc tạo nạc trong chăn nuôi, áp dụng chuỗi an toàn khép kín, kiểm tra chặt chẽ nông sản, thực phẩm trước khi nhập chợ… Sự phối hợp kỹ lưỡng giúp phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm thực phẩm, nông sản kém chất lượng tuồn vào thị trường thành phố. Phó Giám đốc Sở Công thương, Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Các nhóm hàng được thực hiện tại chợ Bến Thành là thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả và hàng ăn uống. Ðối với chợ đầu mối Hóc Môn là thịt gia súc, đồng thời chợ cũng đầu tư nâng cấp một phần khu rau, củ, quả để triển khai đề án này. Ðây được coi là một trong những giải pháp để nâng cao kỹ năng quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát.

Có mặt tại chợ đầu mối Hóc Môn vào sáng sớm, chúng tôi chứng kiến không khí vận chuyển, bốc dỡ các mặt hàng lên, xuống xe tất bật. Lực lượng chức năng, quản lý thị trường cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nguồn hàng tỉ mỉ, không để sót lọt hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc đóng dấu đạt chuẩn ATVSTP cũng được thực hiện đúng quy trình, với sự hợp tác nhiệt tình của các chủ hàng. Ông Sáu Ðức, chủ một ki-ốt bán thịt heo tại chợ Hóc Môn cho biết: Công tác kiểm tra rất gắt gao, nếu vi phạm, chúng tôi sẽ bị đọc tên trên loa công cộng, cấm bán hàng trong một tuần cho nên các chủ hộ kinh doanh đều rất tuân thủ, nghiêm túc chấp hành quy định ATVSTP, lựa chọn nguồn hàng uy tín, chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm bán cho người tiêu dùng.

Ðể ngăn chặn nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc tuồn vào chợ, các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh còn chủ động quản lý, kiểm tra tại những cửa ngõ vào thành phố thông qua các trạm kiểm dịch động vật. Cán bộ thú y cũng được bố trí kiểm tra ở các chợ truyền thống, cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm động vật, cơ sở chế biến; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông chặn dừng các phương tiện có dấu hiệu vi phạm để xử lý những trường hợp vận chuyển thực phẩm, động vật chưa được kiểm dịch…

Ngoài ra, tại các vùng chuyên canh rau của thành phố, nông dân được tập huấn quy trình an toàn, sử dụng đúng nguyên tắc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các mặt hàng nông sản đã nhập chợ hoặc đã đưa vào siêu thị, ngành bảo vệ thực vật cũng thường xuyên tổ chức thanh tra đột xuất để phát hiện, ngăn chặn hàng kém chất lượng; lấy mẫu nông sản đang bày bán để kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để các chợ đầu mối luôn bảo đảm chất lượng hàng hóa và ATVSTP, củng cố lòng tin của người tiêu dùng, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Ðức Nguyễn Thanh Hà, các ngành chức năng cần chung tay quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa, đồng thời, tạo mọi thuận lợi và khích lệ tiểu thương phát huy vai trò trong việc thực hiện văn minh thương mại, xây dựng chợ an toàn thực phẩm, đưa hàng tốt, hàng sạch đến tay người nội trợ.