Liên kết chặt chẽ ở 14 lĩnh vực

Sau bảy năm ký kết Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội (2009-2016), các dự án hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang đã, đang phát huy tác dụng tích cực, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của hai địa phương.

Trồng cà chua theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tiền Giang.
Trồng cà chua theo mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tiền Giang.

Hợp tác đa lĩnh vực

Theo thống kê, đến nay đã có 47 dự án của các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh được cấp phép đầu tư vào tỉnh Tiền Giang, với số vốn đăng ký gần 14 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng thực hiện nhiều dự án giao thông như dự án liên doanh khai thác cảng Mỹ Tho, xây dựng và đưa vào khai thác các bến phà Ngũ Hiệp, Xuân Ðông, Tân Long; xây dựng đường ÐT.878 vào khu công nghiệp Ðông Nam Tân Phước, cầu Kênh Năng, cầu Kênh Lộ Mới... Trong lĩnh vực thương mại, hai địa phương đã hợp tác đầu tư nhiều dự án, công trình thương mại tại Tiền Giang như: Siêu thị Co.op Mart tại TP Mỹ Tho và Gò Công, Siêu thị Vinatex, Siêu thị điện máy Chợ Lớn - Mỹ Tho, Khu thương mại dịch vụ Nguyễn Kim.

Số lượng dự án hợp tác thương mại đã vượt xa so với mục tiêu đề ra. Trong lĩnh vực y tế, hai địa phương thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình) về các lĩnh vực: tim mạch can thiệp, nội tim mạch, ngoại gan, mật, tụy, ngoại chấn thương… giúp người dân Tiền Giang được sử dụng các dịch vụ y tế tốt hơn, thuận tiện hơn. Ngoài ra, hai tỉnh, thành phố còn phối hợp mở tua, tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch tại hai địa phương, giúp ngành du lịch Tiền Giang tăng trưởng trung bình 10%/năm.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết: "Sự phối hợp giữa hai địa phương, nhất là giữa hai sở nông nghiệp có những kết quả rất cụ thể. Tiền Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nhất là cây ăn quả, rau, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Sản phẩm nông nghiệp Tiền Giang không chỉ hướng đến tiêu thụ trong tỉnh mà còn hướng đến hai thị trường lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh là thị trường gần nhất và tiêu thụ nhiều sản phẩm của Tiền Giang, chiếm 30% tổng sản lượng". Hiện nay, hai địa phương đã xây dựng được sáu chuỗi cung ứng sản phẩm nông thủy sản an toàn. Tiền Giang có khoảng 20 ha rau VietGAP tại các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác được tiêu thụ ổn định vào các siêu thị và bếp ăn tập thể tại thành phố. Hai cơ sở chăn nuôi gà thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó HTX chăn nuôi và Thủy sản Gò Công và HTX gà tre Hương Việt được Công ty San Hà tại TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng tiêu thụ.

Ngoài ra, tỉnh còn có 64 ha cá tra, tôm sú đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được tiêu thụ thông qua thương lái tại chợ đầu mối Bình Ðiền. Một thuận lợi nữa, Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập, với hơn 80 thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực: sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, bất động sản. Câu lạc bộ này đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường; hỗ trợ các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh quảng bá thương hiệu, kết nối với các DN sản xuất thương mại nước ngoài; vận động các DN thành phố đầu tư vào
Tiền Giang.

Tăng cường liên kết có chiều sâu

Ðể phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới, lãnh đạo hai địa phương đã tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020 với định hướng mới, tạo cơ chế, chính sách để huy động các thành phần kinh tế trong xã hội tích cực tham gia chương trình hợp tác ở nhiều lĩnh vực và hình thức khác nhau nhằm khai thác hết tiềm năng, nguồn lực sẵn có. Trong đó, xác định 14 lĩnh vực hợp tác liên kết chặt chẽ, tăng cường đầu tư để phục vụ phát triển. Ðồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ðể sự hợp tác trong thời gian tới đi vào thực chất, các đơn vị ở TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sâu hơn các chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để mở mang nhà xưởng, mua sắm máy móc công nghệ cao. Trong nông nghiệp, hai tỉnh, thành phố cần tiếp tục xâu chuỗi, tạo thế mạnh tiêu thụ nông sản, rau củ quả, trứng gia cầm ở Tiền Giang vào TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để góp phần tăng giá trị cho nông sản Tiền Giang.

Ðồng chí Tất Thành Cang cũng yêu cầu Tổng công ty Du lịch Sài Gòn khảo sát ngay các tuyến, tua du lịch đường bộ, đường sông để tổ chức tua đón khách trong và ngoài nước nhằm phát huy lợi thế sông nước, vùng sinh thái đa dạng ở Tiền Giang. Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết: Trong liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa hai địa phương, Tiền Giang hướng đến cung ứng sản phẩm an toàn. Sở sẽ có buổi làm việc với hai sở: NN và PTNT và Công thương TP Hồ Chí Minh cùng các DN quan tâm để trao đổi và kết nối, bàn đến sản lượng, chủng loại, thời gian cung ứng cũng như tiêu chuẩn chất lượng theo hướng an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay sản xuất hữu cơ.

Các sở sẽ giám sát, kiểm tra chuỗi cung ứng đó để bảo đảm sản phẩm về an toàn chất lượng. Phía Tiền Giang, sẽ huy động mọi nguồn lực để tư vấn cho các cơ sở sản xuất quy trình sản xuất lúa, cây ăn quả, rau, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chúng tôi đang đề xuất tỉnh hỗ trợ chính sách chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng vùng sản xuất hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Tiền Giang, Trần Văn Dũng cho biết thêm: "Trong các nội dung liên kết, ngoài việc phát huy những kết quả đã đạt được, còn có những nội dung mới sẽ được cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể. Tiền Giang sẽ lên danh mục mời gọi đầu tư từ TP Hồ Chí Minh để tận dụng được lợi thế từng địa phương.