Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiếp cận dòng vốn ưu đãi là vấn đề nan giải của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp (DN) mới thành lập… Thế nhưng, hiện tại nỗi lo này đã được giải tỏa, DN có thể yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh từ các nguồn quỹ bảo lãnh, hỗ trợ...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm tại Công ty TNHH Hoa Cà, gia công da cá sấu quận 12.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm tại Công ty TNHH Hoa Cà, gia công da cá sấu quận 12.

Thành lập tháng 4-2016, Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã huy động vốn điều lệ lên tới 2 nghìn tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi dành cho DNNVV, gồm bốn chương trình hỗ trợ tài chính trong năm nay. Ðó là, chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, với hạn mức chương trình là 100 tỷ đồng (10 tỷ đồng/DN); chương trình dành cho DN tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản với hạn mức 210 tỷ đồng và mức vay tối đa là 20 tỷ; DN sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí với hạn mức 150 tỷ đồng, mức vay tối đa 25 tỷ đồng và DN hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải với hạn mức là 100 tỷ đồng, mức vay tối đa là 25 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ SMEDF Hoàng Thị Hồng cho biết, DNNVV được vay với hạn mức tối đa lên đến 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh doanh (không bao gồm vốn lưu động) và tối đa không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn vay không quá 10 năm (tùy từng chương trình hỗ trợ tài chính cụ thể của các năm sẽ có sự điều chỉnh riêng bằng hoặc thấp hơn). Phía ngân hàng nhận ủy thác gồm Vietcombank, BIDV và HDBank không được yêu cầu tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị của khoản vay. Ðiểm đặc biệt trong chính sách vay vốn này là DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. DN được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn các phí trả nợ trước hạn. "Nợ vay gốc còn có thể được ân hạn đến 18 hoặc 24 tháng, tùy theo chương trình cụ thể. Ở SMEDF lãi suất được cố định trong suất thời hạn vay và luôn thấp hơn lãi suất cho vay thương mại. "Và trong quá trình vay, nếu lãi suất cho vay thương mại giảm thì quỹ cũng sẽ chủ động điều chỉnh lãi suất giảm tương ứng để đảm bảo quyền lợi cho DN" - bà Hoàng Thị Hồng khẳng định.

Ðược coi là cầu nối giữa ngân hàng và DN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV TP Hồ Chí Minh thời gian qua cũng ra sức hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả. Quỹ có nguồn vốn 100 tỷ đồng hỗ trợ DN các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP Hồ Chí Minh Trần Bửu Long cho biết: "Từ khi đi vào hoạt động, Quỹ đã thực hiện tư vấn và bảo lãnh tín dụng cho nhiều DN, giúp các DNNVV trên địa bàn thành phố vay vốn đầu tư các dự án, vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động".

Ðối với các DN khởi nghiệp và sáng tạo (Starup), Quỹ đầu tư mạo hiểm của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố lại chính là "bà đỡ". Ðây là Quỹ đầu tiên của thành phố hướng đến hoạt động hỗ trợ, bảo trợ và đầu tư cho các DN khởi nghiệp hướng đến sản phẩm đổi mới sáng tạo, góp phần thay đổi cuộc sống. Phó Tổng Giám đốc Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, Vũ Quang Lãm cho hay: "Chúng tôi không đánh giá trên quy mô, tài sản của DN mà chủ yếu dựa trên thông tin cũng như kinh nghiệm đánh giá tiềm năng của các DN khởi nghiệp sáng tạo, cũng như xu hướng thị trường trong nước và nước ngoài. Các cá nhân tin tưởng và cùng đầu tư khoảng 5.000 đến 50.000USD thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các DN khởi nghiệp hoặc đầu tư vào các nhóm cá nhân để phát triển ý tưởng, hỗ trợ thành lập DN và hưởng tỷ lệ cổ phần theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư". Qua đó, nhằm giúp DN dễ dàng khi tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ, bảo trợ. Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia kinh tế cấp cao cho biết: "DN cần nâng cao năng lực trong quản trị tài chính như: khả năng xây dựng hệ thống kế toán tài chính theo chuẩn, quản lý dòng tiền, xác định được cơ cấu tài chính phù hợp…; DN nên tham gia vào các hiệp hội, liên kết với các DN để vận dụng các nguồn lực, giảm các chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Ðồng thời, DN cũng cần nhìn nhận và xác định đúng các khó khăn hiện tại về vốn để có các giải pháp rõ ràng, quyết đoán, từng bước vực dậy hoạt động kinh doanh của mình".

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, từ năm 2012 - 2015, đã có hơn 60 nghìn lượt DN được vay vốn, với tổng số tiền 240 nghìn tỷ đồng (lãi suất tối đa 7%/năm). Từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 18 nghìn lượt DN tiếp cận vay vốn với gần 160 nghìn tỷ đồng. Hiện, nguồn vốn dư địa vẫn còn gần 100 nghìn tỷ đồng để các DN vay vốn sản xuất vào những tháng cao điểm cuối năm 2016. Ðồng thời, để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được nguồn vốn, hiện TP Hồ Chí Minh có chín đầu mối hỗ trợ: Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã, các khu công nghiệp - khu chế xuất, chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. "DN thiếu tài sản thế chấp được tạo điều kiện vay vốn bằng cách thông qua sự bảo lãnh của nguồn Quỹ phát triển DNNVV; hoặc thông qua việc thế chấp dòng tiền bán hàng của DN. Với DN mới thành lập, cần có bộ máy kế toán riêng để thực hiện hồ sơ tài chính minh bạch rõ ràng, có kế hoạch kinh doanh hẳn hoi để các ngân hàng xem xét cho vay", ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay.