Xuất hiện 24 ca bệnh tay chân miệng tại hai trường mầm non ở Lâm Đồng

NDO -

Chiều 18-9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết,  địa phương vừa phát hiện 24 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tại hai trường mầm non ở huyện Cát Tiên và TP Đà Lạt.

Khám sàng lọc bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Trường mầm non Anh Đào, TP Đà Lạt (Ảnh: A.N)
Khám sàng lọc bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Trường mầm non Anh Đào, TP Đà Lạt (Ảnh: A.N)

Tại huyện Cát Tiên, ngày 9-9, một trẻ tại trường mầm non Phù Mỹ được phát hiện bị bệnh tay chân miệng, sau khi đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh. Sau khi tổ chức khám sàng lọc, đến ngày 15-9, cơ quan y tế phát hiện tại trường mầm non này có 12 trẻ mắc bệnh tay chân miệng; trong đó, lớp Họa Mi (trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi) có 10/18 trẻ mắc bệnh tay chân miệng và lớp Mầm 2 có 2/20 trẻ mắc bệnh này. Hiện học sinh hai lớp trên đã được cho nghỉ học 10 ngày, kể từ ngày 15-9, để giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng. 

Tại Trường mầm non Anh Đào (Phường 4, TP Đà Lạt), sau khi tiếp nhận thông tin có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, ngày 17-9, CDC Lâm Đồng đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Y tế Đà Lạt điều tra, thu thập các thông tin, đề xuất giải pháp cụ thể để khống chế dịch.

Trung tâm Y tế Đà Lạt lập danh sách và xác minh tại gia đình 15 trường hợp là học sinh lớp Nhà trẻ 1 nghỉ học, trong đó có hai trường hợp viêm họng, 13 trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng (một trường hợp chưa xác minh được, do đã rời Đà Lạt). CDC Lâm Đồng đề nghị Trung tâm Y tế Đà Lạt tham mưu Phòng Giáo dục và Đào tạo cho học sinh lớp Nhà trẻ 1 nghỉ học 10 ngày, kể từ 17-9, để giám sát phòng chống dịch tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo CDC Lâm Đồng, đến nay, địa phương ghi nhận 193 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 141 trường hợp so cùng kỳ năm 2019), phần lớn tập trung thành các ổ dịch tại các trường học. Trong đó, cao nhất là tại huyện Lâm Hà, với 40 trường hợp; tại TP Đà Lạt ghi nhận 34 trường hợp, huyện Đức Trọng 25 và huyện Cát Tiên là 17 trường hợp…

Ngành y tế Lâm Đồng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường điều tra, giám sát các ca bệnh tại trường học và cộng đồng; phối hợp tuyên tuyền, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng theo quy định Bộ Y tế.