Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ trị liệu tế bào

NDO -

NDĐT – Bộ Y tế cho biết, hiện mỗi nơi đang phát triển công nghệ trị liệu tế bào một kiểu theo cách sử dụng kỹ thuật ngọn, mà không có công nghệ lõi. Vì thế, Bộ Y tế đã giao cho Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển công nghệ này.

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội.

Tại buổi làm việc của Trường Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao nỗ lực mọi mặt của Trường Đại học Y Hà Nội, đặc biệt với định hướng chiến lược là đào tạo tinh hoa và phát triển trường thành trung tâm đào tạo bậc sau đại học và phát triển khoa học công nghệ y sinh trọng điểm. Thứ trưởng Y tế đặc biệt ghi nhận đóng góp của Trường Đại học Y Hà Nội trong công tác nghiên cứu khoa học, khi trong giai đoạn 2016-2020 đã công bố gần 2.800 bài báo, công trình khoa học, với 591 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trường cũng nằm trong số 15 trường đại học hàng đầu Việt Nam về số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học ISI, SCOPUS. Các bài báo quốc tế được xuất bản từ Trường có chỉ số trích dẫn trung bình cao nhất, vượt xa các trường đại học khác của cả nước.

Trong suốt thời gian dịch Covid-19, hàng trăm cán bộ, sinh viên đã hỗ trợ Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội trong việc lấy mẫu xét nghiệm tại CDC Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; tham gia phòng, chống dịch tại các bệnh viện và địa phương.Tổ lấy máu xét nghiệm nhanh tại sân bay Nội Bài và tại các cơ sở cách ly được thành lập, đáp ứng kịp thời yêu cầu của Bộ Y tế. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Trường đã thành lập Đơn vị xét nghiệm Covid-19 và đã xét nghiệm gần 8.000 mẫu, góp phần quan trọng trong quản lý sớm và hiệu quả các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Sau khi các cục, vụ của Bộ Y tế có ý kiến về các đề xuất của trường, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thống nhất giao cho Trường Đại học Y Hà Nội làm thí điểm xây dựng đề án, để quản lý thống nhất, đầy đủ thông tin về hệ thống đào tạo nhân lực ngành y tế. Bộ Y tế nhất trí sớm hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy đổi mới đào tạo chuyên khoa sau đại học theo chuẩn năng lực với việc sớm trình Chính phủ phê duyệt Nghị định đào tạo chuyên khoa đặc thù, đồng thời rà soát Nghị định 111/NĐ-CP để bảo đảm có môi trường đào tạo chuyên khoa phù hợp...

Thứ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh sáng kiến của Trường Đại học Y Hà Nội trong định hướng phát triển các chương trình đào tạo tiến sĩ liên kết với nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo; đồng ý với chủ trương phối hợp trường – địa phương trong đào tạo tập trung theo tín chỉ để chuyển đào tạo phần lớn học viên chuyên khoa I và một số học viên chuyên khoa II về địa phương, từ đó dành chỗ ở bệnh viện thực hành ở Hà Nội cho đào tạo bác sĩ nội trú, hướng tới mục tiêu 90% bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội được chuyển tiếp sang đào tạo chuyên khoa hệ nội trú bệnh viện (tên gọi mới của bác sĩ nội trú).

Bộ Y tế cũng ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D)/Trung tâm nghiên cứu Y khoa trọng điểm gắn liền với các cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành của trường, để phục vụ nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.