WHO: Còn quá sớm để tuyên bố viêm phổi cấp do virus corona mới là đại dịch toàn cầu

NDO -

NDĐT – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23-1 cho biết còn quá sớm để tuyên bố bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (2019-nCoV) đang bùng phát tại Trung Quốc là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC).

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại buổi họp báo (Ảnh: Xinhua)
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại buổi họp báo (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp của kín của Ủy ban Khẩn cấp của WHO, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, WHO đã thảo luận kỹ về việc có nên tuyên bố đại dịch toàn cầu với dịch đang diễn ra hay không. "Tuy nhiên, chúng ta không nhầm lẫm. Đây là một trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng nó chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu", ông Tedros nói.

Giám đốc WHO Tedros nói thêm rằng, WHO đánh giá rủi ro của dịch bệnh này tại Trung Quốc có nguy cơ rất cao, đồng thời có rủi ro cao trong khu vực và toàn cầu.

WHO đã kéo dài thời gian thảo luận về việc có nên tuyên bố PHEIC từ ngày thứ Tư sang ngày thứ Năm.

Theo WHO, PHEIC là một sự kiện đặc biệt được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh ở phạm vi quốc tế và có khả năng cần phải có phản ứng phối hợp quốc tế.

Ông Tedros cho hay, WHO đã nhận được báo cáo về 584 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 17 ca tử vong. Trong tổng số ca nhiễm bệnh có 575 ca tại Trung Quốc, các ca khác ghi nhận tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

WHO cho biết họ sẽ tiếp tục xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của đợt bùng phát virus corona mới này, mức độ lây truyền từ người sang người và các nỗ lực sàng lọc ở các tỉnh khác của Trung Quốc.

Theo Ủy ban, loại virus mới, hiện được đặt tên là 2019-nCoV, có thể gây bệnh nặng và có thể gây tử vong, mặc dù đối với hầu hết mọi người, nó gây ra các triệu chứng nhẹ. Điều này được hiểu rằng trong số những người bị nhiễm, một phần tư bệnh nhân đã trải qua tình trạng nặng. Hầu hết những người tử vong đều có các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ.

WHO cho hay, có sự lây truyền từ người sang người ở Trung Quốc, nhưng hiện tại mới chỉ giới hạn ở các nhóm gia đình và nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc, nhưng điều này cũng có thể xảy ra.

Cho đến nay, có rất ít thông tin liên quan đến nguồn gốc của virus này, các đặc điểm lâm sàng, mức độ nghiêm trọng và mức độ lây lan của nó.

Hiện tại, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào lớn hơn đối với việc đi lại hoặc thương mại mà khuyên nên sàng lọc xuất cảnh tại các sân bay như một phần của một loạt các biện pháp ngăn chặn toàn diện.

Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo, đến hết ngày 23-1, số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc là 830 người, trong đó có 25 ca tử vong.

Đến sáng 24-1, các quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thông báo ca nhiễm nCoV thứ hai, đồng thời theo dõi hàng chục người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Mỹ cũng đã cách ly thêm 43 người có tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh đầu tiên để theo dõi, đồng thời hủy tất cả các chương trình trao đổi học sinh đến Trung Quốc trong thời gian này.

Cơ quan quản lý du lịch Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23-1 thông báo hủy tất cả hoạt động đông người, bao gồm các lễ hội tại đền, chùa nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do virus corona mới gây ra. Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo cấp 1 tỷ nhân dân tệ (114 triệu USD) để hỗ trợ nỗ lực kiểm soát và dập dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra.