Ứng dụng công nghệ dẫn đường 3D trong phẫu thuật bệnh lý cột sống

NDO -

NDĐT- Ngày 23- 11, Bệnh viện Bạch Mai chính thức khai trương, đưa vào sử dụng hệ thống chụp O-arm và định vị trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống.

Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật cột sống với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ O-arm.
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật cột sống với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ O-arm.

Đây là cơ sở y tế đầu tiên ở nước ta đầu tư hệ thống công nghệ chẩn đoán và điều trị hiện đại nhất trên thế giới hiện nay ứng dụng công nghệ 3D để định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống.

Hệ thống chụp O-arm cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và tăng cường độ chính xác và an toàn cho các bác sĩ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thông định vị trong phẫu thuật, O-arm đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống.

Công nghệ này đã được chứng minh với các ưu thế: Tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí. Nhiều nghiên cứu nhằm xem xét lại một cách kỹ lưỡng đã chứng minh rằng nếu sử dụng O-arm độ chính xác về vị trí bắt vít lên đến từ 93% - 100%, so với tỷ lệ từ 72% - 92% của phương pháp thông thường.

Công nghệ này cũng làm giảm các biến chứng phẫu thuật; giảm tiếp xúc với bức xạ cho bệnh nhân, phẫu thuật viên và nhân viên y tế. Đồng thời, cung cấp các thông tin quan trọng cho phép các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp; giúp bác sĩ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân.

Cột sống là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể con người: là bộ khung để giữ hình thái, nâng đỡ khối trọng lượng cơ thể, bảo vệ tủy sống và điều khiển các cử động của cơ thể. Khi cột sống bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, chấn thương, biến dạng hoặc dị tật… sẽ có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, gây các triệu chứng: cơ thể tê bì, đau nhức và vận động khó khăn... Khi đó có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật cột sống.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp phẫu thuật cột sống, tùy theo tổn thương của từng bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ vừa phải bảo đảm sự an toàn, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu gây liệt, mất máu … vừa phải xử lý được tổn thương (thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương…) đồng thời tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon… Kết quả hồi phục lâm sàng phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố trong đó không thể thiếu sự cân bằng cơ sinh học của hệ thống vật liệu thay thế.

Phẫu thuật cột sống truyền thống được tiến hành bằng cách sử dụng các hệ thống chụp C-arms để hướng dẫn vị trí đặt của các ốc vít hỗ trợ. Hệ thống C-arm chỉ giới hạn trong việc cung cấp hình ảnh hai chiều (2D) nên phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu, bao gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít mà không ảnh hưởng đến tủy sống hay các mạch máu lớn của bệnh nhân. Hạn chế của C-arms còn nằm ở việc gây ra các bức xạ ảnh hưởng đến bệnh nhân và nhóm phẫu thuật viên.

Với hệ thống O-arm, sự khác biệt đó chính là độ chính xác gần như là tuyệt đối, giúp phẫu thuật viên định vị chính xác vị trí cần can thiệp cũng như đưa ra phương án tối ưu nhất.

TS.BS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, trong phẫu thuật cột sống, một milimét là khoảng cách rất xa vì ở đó là tủy xương, mạch máu, hệ thần kinh… Do vậy, nếu ca phẫu thuật không được thực hiện chính xác sẽ để hại những biến chứng rất nặng nề, thậm chí người bệnh có thể bị liệt vĩnh viễn.

Vì vậy, với nhưng ưu thế vượt trội của hệ thống chụp O-arm và định vị trong phẫu thuật sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân bị bệnh lý cột sống.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối ứng dụng, phát triển các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh cho người dân. Vì đưa kỹ thuật mới về Việt Nam chi phí sẽ thấp hơn, khi đó nhiều người bệnh sẽ được sử dụng kỹ thuật cao ngang tầm các nước trên thế giới. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ cơ quan bảo hiểm y tế để khi các kỹ thuật cao áp dụng thường quy tại các bệnh viện sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế cùng chi trả cho người bệnh.