Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao tại vùng sâu, vùng xa

NDO -

NDĐT - Theo số liệu giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn rất cao với 14,5% thể nhẹ cân, 24,9% thể thấp còi, 6,8% thể gầy còm và 4,8% thừa cân béo phì. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn ở mức rất cao.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao tại vùng sâu, vùng xa

Sáng 5-12, Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, Chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc các viện, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo thuộc lĩnh vực dinh dưỡng và chất lượng thực phẩm, giảng viên của các trường Đại học Nông nghiệp, Y dược, Bách khoa.

Giáo sư Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Trong những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước, thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng là vấn đề nổi cộm của Việt Nam. Khi đó, có khoảng 50% trẻ em bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân và thấp còi. Đến nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm đáng kể, chỉ còn 25%.

Giảm suy dinh dưỡng ở Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, giảm thường xuyên và bền vững, từ 1,5-2%/năm. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao đối với trẻ em sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ cải thiện chậm, trong đó chủ yếu do dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém.

Theo nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong dân tộc Sán Dìu, GS.TS Đỗ Hàm cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tại đây vẫn còn cao, tới 22,7%... Sau can thiệp, hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm xuống 16%. Tuy nhiên, GS.TS Đỗ Hàm cho biết, vẫn cần tiếp tục các biện pháp can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dân tộc Sán Dìu thông qua các hoạt động truyền thông và dinh dưỡng hợp lý.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu của phụ nữ hiện nay cũng chưa được cải thiện. Theo BS Trần Thị Hồng Vân, khi tiến hành khảo sát và nghiên cứu 585 phụ nữ dân tộc Tày ở độ tuổi 20-35 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu chung là 25,47%, thiếu máu do sắt chiếm tỷ lệ cao 44,97%. “Nhìn chung, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ dân tộc Tày cao” - BS Vân nhận định.

Giáo sư Lê Thị Hợp phân tích, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu máu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa chủ yếu do sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân. Cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... nên ở những vùng này ngày càng gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư...

Tại hội thảo, một vấn đề nữa cũng được các đại biểu quan tâm là thực trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng... Sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém đã góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Với nhiều báo cáo tại hội thảo, Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm thuộc Hội Dinh dưỡng Việt Nam hy vọng cung cấp được nhiều kiến thức liên ngành cũng như các giải pháp mang tính khoa học cho các nhà nghiên cứu, nhằm từng bước giảm bớt và đẩy lùi các nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.