Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử có xu hướng tăng

NDO -

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng, từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020, trong đó, nam giới tăng từ 0,4% năm 2015 lên 1,2% năm 2020. 

PGS, TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo.

Ngày 19-1, Bộ Y tế , Quỹ Phòng chống Tác hại (PCTH) thuốc lá đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật về phòng chống tác hại của thuốc lá với các đối tác của Sáng kiến Bloomberg Việt Nam. Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua và xác định các vấn đề ưu tiên trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Giám đốc Quỹ Phòng chống thuốc lá bày tỏ những hỗ trợ và đóng góp của Quỹ Bloomberg Philanthropies, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà nhân dân Mỹ đang phải trải qua trong cuộc chiến chống Covid-19.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, qua bảy năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận: hành lang pháp lý và văn bản chỉ đạo đã dần hoàn thiện ở các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Việc hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng như trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị. Tại các đám cưới, đám hiếu việc hút thuốc hầu như không còn.

Hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây, nhiều người không hút thuốc đã nhận thức được quyền được bảo vệ sức khỏe, và dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút tại nơi có quy định cấm. 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác PCTH của thuốc lá cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đó là tỷ lệ hút thuốc lá điện tử có xu hướng tăng. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng (từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020), trong đó, nam giới tăng từ 0,4% năm 2015 lên 1,2% năm 2020.

Điều tra sức khỏe học đường tại Việt Nam năm 2019 cho thấy 2,6% học sinh trong độ tuổi 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử) được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo và giới thiệu với các thông tin không đầy đủ, sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống, với mục tiêu mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là hướng tới giới trẻ.

Hoạt động thanh tra, xử phạt đã được thực hiện khá tốt trong những năm gần đây, tuy nhiên, vẫn chưa được địa phương các cấp chủ động thực hiện thường xuyên. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực, địa phương chưa chủ động trong việc cấp kinh phí thanh tra, xử phạt.

Giám đốc Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để tăng cường các giải  pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá tại Việt Nam như tiếp tục tăng thuế thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý bán lẻ thuốc lá; tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc, quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.....