Trị bệnh trong điều kiện dịch Covid-19

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được kiểm soát, nhưng hoạt động khám và điều trị bệnh vẫn chưa trở lại nhịp bình thường. Nhiều bệnh viện vẫn có những quy định riêng gây khó khăn và tốn kém cho người bệnh.

Khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ. Ảnh: THANH TÂM
Khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ. Ảnh: THANH TÂM

Nhiều bệnh viện thực hiện mô hình bệnh viện "tách đôi", một nửa dành cho điều trị những bệnh thông thường, một nửa dành cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ngày đầu tuần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, nhiều người ra - vào. Tại cổng, người dân khai báo, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Người bệnh ngoại trú được hướng dẫn nộp sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế và ngồi chờ. Những người bệnh muốn vào các khoa, phòng gặp bác sĩ phải nộp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2… Bệnh viện bố trí quầy dịch vụ với giá 239 nghìn đồng cho một lần test nhanh Covid-19. Ông Trần Văn Thanh, 69 tuổi, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá cầm túi thuốc thắc mắc nhưng không được giải đáp. Một tình nguyện viên hướng dẫn: "Ông phải test nhanh Covid-19". Ông Thanh phàn nàn: "Dịch bệnh khó khăn, đi trị bệnh giờ phải tốn thêm hơn 200 nghìn đồng". Bà Trần Thị Hoa, 74 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá đang điều trị chứng cao huyết áp được hơn mười năm qua tại Khoa Nội B, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết: "Mỗi lần đến bệnh viện khám bệnh phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Vậy mà Khoa nội B vẫn có ca dương tính với Covid-19 nên đã bị phong tỏa. Lãnh (nhận) thuốc tại bệnh viện lớn vừa mất thời gian, mà nguy cơ nhiễm Covid-19 cao do bệnh nhân đông, khó tuân thủ giãn cách".

Trước đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cũng thực hiện mô hình bệnh viện "tách đôi". Nhưng từ khi tỉnh Kiên Giang thành lập Trung tâm thu dung điều trị Covid-19 thì tất cả người nhiễm Covid-19 trên địa bàn được chuyển đến đây để điều trị. Dù vậy, tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang vẫn xuất hiện các ca mắc Covid-19, khiến cho quy định khám và điều trị càng nghiêm ngặt. Khá nhiều quy định được bệnh viện áp dụng đối với người bệnh cũng như người chăm nuôi người bệnh. Bác sĩ Trương Công Thành, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết: Mỗi ngày, bệnh viện khám cho khoảng 1.100 lượt người bệnh, có khoảng 110 trường hợp là diện cấp cứu, 40% là bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới. Hiện nhân lực của bệnh viện phải chi viện sang cho Trung tâm thu dung điều trị Covid-19 của tỉnh cho nên nhân viên y tế có phần quá tải. Hơn nữa dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, cần phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, suốt bốn tháng qua nhiều bệnh viện đã chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân Covid-19. "Trước đây, tôi và người nhà trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa Sa Ðéc. Nhưng từ khi bệnh viện này chuyển công năng sang điều trị Covid-19, gia đình tôi phải đến Bệnh viện đa khoa Ðồng Tháp. Gần đây, con tôi bị xuất huyết nặng, đường xa và đi trong đêm khiến bệnh tình của con nặng hơn", chị Nguyễn Ngọc Châu, ngụ phường 2, TP Sa Ðéc lo lắng. Sở Y tế tỉnh Ðồng Tháp cho biết, hiện tỉnh vẫn duy trì 18 cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Các trung tâm y tế địa phương thực hiện mô hình "tách đôi".

Trị bệnh trong điều kiện dịch Covid-19 -0
Khám bệnh tại Trạm Y tế xã Ða Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: MINH KHỞI 

Bệnh viện đa khoa Ðồng Tháp không thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, do vậy tất cả người bệnh đến điều trị phải thực hiện test nhanh Covid-19. Ðối với bệnh nhân nội trú hoặc cấp cứu chỉ được một người thân thăm nuôi. Riêng Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, các điều dưỡng vừa là thầy thuốc vừa là mẹ hiền. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện đa khoa Ðồng Tháp cho biết: Thời gian qua, bệnh viện phải tiếp nhận một số lượng bệnh nhân rất lớn. Ðiều trị bệnh trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 cho nên việc đưa ra các quy định việc phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh, vì lo sợ lây nhiễm nên rất nhiều trường hợp có bệnh nhưng từ chối đến bệnh viện. Trong khi, những trường hợp cần phải đến bệnh viện thì lại vướng những quy định phòng, chống dịch khiến cho bệnh viện có khoảng cách với bệnh nhân. Ông Lê Minh Quyết, 55 tuổi, ngụ phường 7, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) kể, ông mắc bệnh ung thư đại tràng. Cách đây hơn hai tháng phải mất rất nhiều thời gian mới có đủ thủ tục nhập viện. Từ Bệnh viện đa khoa Trà Vinh chuyển viện lên tuyến trên phải được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Sau khi phẫu thuật xong tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, ngày xuất viện trở về, ông bị kẹt tại cửa ngõ vào tỉnh hơn 10 tiếng đồng hồ mới được lấy mẫu test nhanh Covid-19. "Bệnh đã khổ, mà bệnh trong dịch khổ chồng khổ", ông Quyết thở dài.

Hiện, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương cũng đã công bố cấp độ dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện vẫn có những quy định riêng, khiến người bệnh vừa khó khăn vừa tốn kém. Tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, người dân đến khám bệnh phải test nhanh Covid-19. Trường hợp nhập viện điều trị hoặc bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân và người nhà phải xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR.

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Giám đốc Bệnh viện Trần Văn Dễ cho biết: Người đến khám bệnh đã tiêm đủ hai liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh trong vòng 6 tháng chỉ xét nghiệm khi có biểu hiện nghi mắc Covid-19. Ðối với bệnh nhi điều trị nội trú và người nhà thì phải xét nghiệm Covid-19 định kỳ, nhưng bệnh viện thực hiện mẫu gộp để tiết kiệm chi phí. Bệnh viện có bố trí một khu điều trị trẻ mắc bệnh Covid-19 khép kín từ điều trị, chăm sóc, ăn uống do nhân viên bệnh viện phụ trách để phòng lây nhiễm. Tuy nhiên, thời gian qua, do thực hiện giãn cách xã hội kéo dài cho nên không có bệnh nhi ngoại tỉnh. Gần đây, các tỉnh nới lỏng việc đi lại nhưng người dân vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh nên lượng người ngoài tỉnh đến khám, chữa bệnh chưa nhiều.

Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ yêu cầu tất cả người đến khám bệnh ngoại trú đều phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm tại bệnh viện. Người bệnh điều trị nội trú và người nhà phải xét nghiệm tầm soát Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần (mẫu gộp từ 5-10 mẫu). Theo lý giải của bệnh viện, do bệnh nhân đông và nhiều trường hợp chuyển tuyến từ các tỉnh lên nhiều nên rất phức tạp.

Ðể bảo đảm an toàn trong hoạt động, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bố trí khu vực khám cách ly và điều trị theo quy định của Bộ Y tế và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch Covid-19 trong các bệnh viện. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận khám, chữa bệnh và cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố kể cả các trường hợp cấp cứu do các cơ sở cách ly y tế tập trung, các bệnh viện khác chuyển đến và thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang, khẳng định: Các bệnh viện trên địa bàn thành phố không được từ chối tiếp nhận người bệnh trong mọi tình huống vì lý do chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19. Các bệnh viện tuyến trên tiếp nhận, cấp cứu điều trị người bệnh không yêu cầu bệnh viện tuyến dưới phải làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trước khi chuyển viện. Trường hợp người bệnh chuyển tuyến đến nếu chưa có xét nghiệm thì bệnh viện tiếp nhận lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và cấp cứu, điều trị người bệnh ngay mà không phải chờ kết quả xét nghiệm ■

TIẾN TÂM và NGHĨA KHỞI