Trẻ suy dinh dưỡng, còi xương vì bệnh dạ dày

NDO -

NDĐT – Bảy tuổi mà chỉ nặng 10 kg, tương đương cân nặng như một trẻ 2,5 tuổi, một bệnh nhi ở Vĩnh Phúc bị suy dinh dưỡng nặng, có triệu chứng còi xương vì căn bệnh dạ dày. Bệnh lý dạ dày khiến các em bé đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Bé gái bảy tuổi chỉ nặng khoảng 10kg.
Bé gái bảy tuổi chỉ nặng khoảng 10kg.

TS, BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mới đây, anh vừa khám cho một trường hợp bé gái bảy tuổi đến từ Vĩnh Phúc mắc bệnh lý dạ dày khá nặng dù bố mẹ cháu bé không ai mắc bệnh dạ dày hay mắc vi khuẩn Hp.

Theo gia đình cho biết, bé gái sinh ra đã có phát triển thể chất kém. Bé trải qua nhiều đợt viêm nhiễm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa lâu dài làm cháu bé nhạy cảm với vi khuẩn tiêu hóa. Khi không được quan tâm điều trị đúng mức, thời gian điều chỉnh hệ tiêu hóa cho cháu diễn ra chậm nên hậu quả hiện tại là bé bảy tuổi nhưng suy dinh dưỡng và còi xương nặng nề.

Theo TS, BS Dương Trọng Hiền cho biết, việc rối loạn tiêu hoá liên quan nhiều trong sinh hoạt. Với người lớn, khả năng đề kháng tốt nên tự điều chỉnh được. Tuy nhiên, do trẻ em đang ở trong giai đoạn phát triển nên khi bị rối loạn tiêu hóa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, gây suy dinh dưỡng, còi xương. Biểu hiện thường gặp là trẻ tiêu chảy nhiều lần, phân kèm theo nhầy, trường hợp nặng có thể đau bụng, sốt, phân lẫn máu.

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá tức là đã mất cân bằng hệ vi sinh tự nhiên. Lúc này, việc bổ sung các lợi khuẩn (probiotic) hay men vi sinh là biện pháp tối ưu giúp cải thiện sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa vi khuẩn có hại, giúp trẻ tiêu hóa khoẻ và hấp thụ thức ăn tốt hơn.

Trẻ suy dinh dưỡng, còi xương vì bệnh dạ dày ảnh 1

Gia đình cháu bé vô cùng lo lắng vì tình trạng suy dinh dưỡng do bệnh lý dạ dày của cháu bé.

Vừa qua, cháu bé đã được điều trị một đợt kháng sinh diệt Hp và triệu chứng về dạ dày đã được cải thiện rất tốt. Tuy nhiên, BS Hiền nhấn mạnh, cháu bé sẽ phải trải qua những đợt can thiệp tích cực từ thay đổi về chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý. Gia đình sẽ cần phải xây dựng lịch sinh hoạt, ăn uống một cách chặt chẽ cũng như bổ sung vi chất, vitamin cho cháu bé. Đặc biệt, cháu bé phải trải qua các đợt điều trị hệ tiêu hóa liên tục để hệ tiêu hóa cân bằng trở lại.

Theo BS Hiền, những trẻ em đến khám vì bệnh lý dạ dày chủ yếu là những bé ở trong gia đình có bố mẹ mắc bệnh dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp. Tỷ lệ trẻ em có vấn đề liên quan đến phát triển, đặc biệt phát triển thể chất do sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng không bảo đảm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào khi mắc vi khuẩn Hp đều phải điều trị dạ dày. “Vi khuẩn Hp dễ lây nhiễm qua ăn uống. Nếu ai bị viêm loét dạ dày đại tràng thì cần điều trị. Những người không có triệu chứng thì không cần điều trị Hp”, BS Hiền khuyến cáo.