Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống Covid-19

Sáng 14-2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra (Covid-19) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết, đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Ðào (GD và ÐT) khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại. Nhấn mạnh tinh thần "phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại", Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để bảo đảm trường học, lớp học thật sự an toàn; đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm. Chưa làm cho phụ huynh và học sinh yên tâm thì chưa cho học sinh đi học trở lại ngay. Khi các em đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thật sự an toàn, cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh. Việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn sẽ gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của các gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, những điều đó không thể so sánh được với sức khỏe, sự yên tâm, tin tưởng của nhân dân. Bởi những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài những yếu tố mang tính chuyên môn cũng phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân.

Tại hội nghị, ý kiến của các địa phương đều thống nhất nhận định, đến thời điểm này, chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình. Ngay tại địa phương có số người nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước là Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Ðại diện các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Phúc cũng báo cáo một số nội dung liên quan việc triển khai cách ly; phối hợp các địa phương nước bạn thông quan hàng hóa trở lại; tiếp tục khử trùng, tiêu độc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ trường học để đón học sinh trở lại trường,... Các địa phương cũng đề xuất T.Ư hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ nhân lực; gỡ vướng một số nội dung liên quan việc thông quan hàng hóa; quản lý chuyên gia, lao động nước ngoài (từ vùng có dịch) vào Việt Nam làm việc. Phó Thủ tướng, các thành viên trong Ban Chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành, địa phương đều nhận định, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó thời gian tới, cả hệ thống vẫn cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu, phối hợp cùng chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, thực hiện thật tốt việc cách ly, đón công dân từ vùng dịch về nước theo đúng quy định; mở rộng diện giám sát và giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, nhất là những người có các dấu hiệu, triệu chứng dịch bệnh. Ðối với nơi có dịch phải tập trung khoanh vùng dập dịch tại chỗ; quyết liệt triển khai các biện pháp toàn diện để dập dịch tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, đường biên giới (cả phía bắc và phía tây nam) không để xảy ra xuất, nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết; chống dịch phải tuyệt đối an toàn nhưng không cực đoan; không vì chống dịch mà để ảnh hưởng tới các hoạt động khác; phải thực hiện thật tốt hai mũi "giáp công" là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

* Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã gửi thư thăm hỏi tới ông Uông Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc. Trong thư, thay mặt Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn gửi tới Chính hiệp Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân Trung Quốc đang gặp phải, đồng thời gửi tới những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lời thăm hỏi chân thành và lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân những người đã mất do dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Ðảng, Chính phủ Trung Quốc và những nỗ lực to lớn của nhân dân Trung Quốc trong việc phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ðồng thời, bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, sự điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc và sự tham gia góp sức, đồng hành của Chính hiệp Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ngăn chặn và dập tắt hoàn toàn dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Ðồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ, MTTQ Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẵn sàng cùng Chính hiệp và nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, nỗ lực hết sức góp phần ngăn chặn thành công dịch Covid-19 gây ra.

* Ðể bảo đảm an toàn, kiểm soát chặt chẽ tình hình tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), tỉnh Vĩnh Phúc thành lập bổ sung bốn chốt tại xã, nâng tổng số thành 12 chốt kiểm soát, kiểm dịch tại địa bàn, các chốt trực suốt 24 giờ trong ngày. Bên cạnh đó, phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại hai thôn Ái Văn và Ngọc Bảo trong 20 ngày, với tần suất hai ngày/lần. Trong thời gian cách ly, các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp huyện Bình Xuyên nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm hằng ngày của nhân dân để có phương án cung ứng kịp thời. Huyện Bình Xuyên đã hợp đồng các siêu thị như Big C, Coop Mark… tổ chức sáu điểm bán hàng để cung ứng cho người dân trong xã, với cam kết không tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu, niêm yết giá bán tại cửa hàng. Theo số liệu thống kê, xã Sơn Lôi có gần 10 nghìn nhân khẩu với hơn 2.000 hộ dân. Toàn xã có sáu thôn, trong đó, thôn đông dân nhất có hơn 2.000 người, thôn ít dân nhất hơn 1.000 người.

* Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thu gom, xử lý khẩu trang thải bỏ. Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về việc sử dụng khẩu trang thông thường trong hoạt động sinh hoạt của người dân. Ðối với những loại khẩu trang, không có nguy cơ nhiễm bệnh thì được sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, của Bộ Y tế và sau khi sử dụng phải được bỏ vào đúng nơi quy định, không được thải ra ngoài môi trường và phải được thu gom, xử lý như đối với chất thải thông thường. Tại các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung, đề nghị bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định, hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua thải bỏ để sử dụng lại nhằm trục lợi bất chính, trường hợp phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

* Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn gửi các Bộ TN và MT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải, có nắp đậy tại nơi công cộng; tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định…

* Ngày 14-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện Tam Ðường (tỉnh Lai Châu) cho biết địa phương đang thực hiện việc cách ly y tế tại nhà đối với 13 trường hợp từng tiếp xúc với người đến từ vùng có dịch tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, tại khu cách ly cửa khẩu Ma Lù Thàng, các lực lượng chức năng đã cách ly 38 trường hợp là công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc, trong đó bảy trường hợp có biểu hiện ho, sốt đã được chuyển về Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.

* Chiều 14-2, tại tỉnh Vĩnh Phúc, chín công đoàn thuộc Khối thi đua công đoàn tập đoàn, tổng công ty, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam tổ chức trao quà tặng tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: khẩu trang, nước sát khuẩn và tiền mặt trị giá 500 triệu đồng, nhằm giúp nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến tại lễ trao quà, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam khẳng định: Ðây là nghĩa cử cao đẹp của tổ chức công đoàn, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia, đồng thời là sự động viên kịp thời của Khối thi đua tới công đoàn, đoàn viên, người lao động tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ðồng chí đề nghị, lãnh đạo LÐLÐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, người lao động về phòng, chống dịch bệnh; tích cực vào cuộc cùng địa phương phòng, chống dịch. Ðồng thời, chủ động rà soát, dành kinh phí tới thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, bảo đảm chế độ cho người lao động đang bị cách ly, hoặc điều trị bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng LÐLÐ Việt Nam và công đoàn các tập đoàn, tổng công ty đã đến thăm hỏi, động viên và trao khẩu trang, nước sát khuẩn tặng cán bộ, nhân viên Ga Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

* Cùng ngày, UBND thành phố Ðà Nẵng tổ chức khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân ngành y tế đã tích cực tham gia công tác phòng, chống Covid-19, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng, Trung tâm Cấp cứu TP Ðà Nẵng, Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng, Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP Ðà Nẵng); các cá nhân công tác tại các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Ðà Nẵng, Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng, Bệnh viện Ðà Nẵng; Trung tâm cấp cứu TP Ðà Nẵng.

* Ngày 14-2 Tập đoàn Tuần Châu cho biết, Chủ tịch Tập đoàn đã mua ba triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn để phát miễn phí cho nhân dân Quảng Ninh. Dự kiến sẽ bàn giao khẩu trang cho Sở Y tế trong tuần tới để tổ chức phát miễn phí tại các địa bàn trong tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu đã kêu gọi, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân Quảng Ninh đối phó Covid-19.

* Ngày 14-2, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đến nay, 21 sân bay đã phát hiện 127 hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 cần được cách ly y tế; từ chối nhập cảnh gần 300 hành khách do đến từ vùng có dịch. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 33 hành khách nghi nhiễm Covid-19, từ chối nhập cảnh 286 hành khách. Riêng chuyến bay số hiệu CX767 từ Hồng Công (Trung Quốc) đến Tân Sơn Nhất ngày 4-2, lực lượng chức năng đã từ chối nhập cảnh 218 hành khách.

* Cùng ngày, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cảng vụ hàng hải Quảng Bình đã phối hợp cơ quan liên quan triển khai cách ly 10 thuyền viên trên tàu Pacific Horse (quốc tịch Pa-na-ma) đến cảng Hòn La. Khoảng 18 giờ ngày 13-2, tàu Pacific Horse từ cảng Hồng Công (Trung Quốc) về Hòn La để xếp hàng quặng đồng, trên tàu có 18 thuyền viên Việt Nam. Theo kế hoạch, tàu thay đổi 10 thuyền viên xuống tàu. Sau khi kiểm dịch y tế, 10 thuyền viên rời tàu đã được cách ly, theo dõi 14 ngày. Ðồng thời, thực hiện nghiêm ngặt quy định không xuống tàu đối với các thuyền viên còn lại.

Bộ Y tế thông tin về thời gian ủ bệnh của Covid-19

Ngày 14-2, Bộ Y tế thông tin về thời gian ủ bệnh của Covid-19 như sau: Ðể bảo đảm việc phòng, chống Covid- 19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31 trong số 31 địa phương của Trung Quốc, nhất là với những trường hợp về từ Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày. Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế 14 ngày nghiêm ngặt để phòng bệnh Covid- 19.

RA MẮT TRỢ LÝ ẢO HỎI ÐÁP VỀ COVID-19

Ngày 14-2, Bộ Y tế chính thức ra mắt trợ lý ảo (chatbot) hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19). Trợ lý ảo do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phối hợp Tập đoàn FPT phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi đáp về Covid-19.

Dịp này, Cục Công nghệ Thông tin cũng phát triển chuyên trang thông tin về Covid-19, tại địa chỉ https://ncov.ehealth.gov.vn. Người dân có thêm một kênh thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cách phòng, chống và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh. Nội dung chuyên trang được xây dựng, biên tập bởi các chuyên gia của các bệnh viện và Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19.

PV

Bộ GD và ÐT đề nghị cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2

Tối 14-2, Bộ trưởng GD và ÐT có công văn hỏa tốc đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2. Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ GD và ÐT quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành. Ðồng thời, Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết các địa phương xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học để bảo đảm không ảnh hưởng chất lượng thực hiện chương trình GD và ÐT.